Đại biểu Quốc hội: Đừng để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh”, kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận Kế hoạch kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát để tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn tiền vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh", dẫn đến tình trạng kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát để tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn tiền vay giá rẻ
Không để vốn giá rẻ chảy vào chứng khoán, bất động sản
Sáng 9/11, thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt vấn đề, về cơ cấu thu ngân sách nhà nước, dù đã có điều chỉnh giảm dự toán so với dự toán năm 2020, nhưng ngân sách Trung ương tiếp tục hụt thu 29.346 tỷ; trong khi tổng thu ngân sách vẫn có tăng trưởng. Theo đại biểu Thơ, thực tế cho thấy, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến trong năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Đại biểu đặt ra giả thiết có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp, vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản!? Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toán diện hơn về vấn đề này.
Cũng đề cập đến vấn đề vốn cho DN, nhất là trong câu chuyện cấp bù lãi suất,  Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng.
Một trong 2 hướng chính được đại biểu Cường nêu ra để doanh nghiệp và nền kinh tế được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư, là cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp các chi phí lãi vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để bảo đảm kinh doanh. Đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn xu hướng gia tăng. Nếu ngân sách dành khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng để cấp bù sẽ có được khoảng một triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để các doanh nghiệp phục hồi.
“Tuy nhiên, kèm theo đó phải có cơ chế kiểm soát để tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh", trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất. Hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán”- ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Phân bổ nguồn thu từ hoạt động xổ số đang có sự chênh lệch
Về phân bổ nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ dẫn quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 về sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết là được phân bổ 100% cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nguồn thu này đang có sự chênh lệch cơ bản ở các địa phương và các vùng trong cả nước.
Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long và Đông Nam Bộ chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, chỉ còn 15,74% chia cho 44/63 tỉnh thành còn lại, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn thì số thu này chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 1% (0,99%). Bên cạnh đó, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nguồn thu từ xổ số kiến thiết là nguồn thu chủ yếu trong cơ cấu thu ngân sách, nhiều tỉnh chiếm từ 30 đến trên 40% tổng thu nội địa.
Theo định mức phân bổ dự toán hàng năm của Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến năm 2021, nguồn thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết được quy định dành cho đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó lĩnh vực giáo dục, dạy nghề và y tế các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50%.
Mặc dù phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, tuy nhiên, đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, việc phân bổ nguồn thu như trên tôi e rằng chưa bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo số 47/BC-CP và Tờ trình số 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2022, hiện đang dùng thuật ngữ “ưu tiên đầu tư” mà chưa có định mức rõ. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu có quy định phân bổ đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực giáo dục, y tế trong cả nước, đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp cần được phân bổ và quy định rõ từ nguồn lực khác để bảo đảm cân đối giữa các địa phương trong cả nước và điều quan trọng là định mức phân bổ cần phải được quy định một cách cụ thể để vừa bảo đảm đủ yêu cầu chi tiêu của các ngành, lĩnh vực trên vừa bảo đảm đủ để phòng chống dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần