Đại biểu Quốc hội: Giải pháp nào xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất vấn tại Phiên họp thứ 25, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động..

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ NN&PTNT.

80% sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa có thương hiệu

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay có đến 80% sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô…

Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới?

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết hiệu quả công tác thông tin, dự báo tình hình nông sản và công tác quy hoạch để đảm bảo sản xuất, quy chuẩn xuất khẩu trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt?

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp. Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm. Ảnh: Quochoi.vn

Phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái về việc xây dựng thương hiệucho nông sản Việt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu giống như ngành hàng cà phê, ngành hàng gạo bắt đầu cũng đã chuyển biến. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục để phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn lên rất nhiều.

Bộ trưởng cũng làm rõ cần phân biệt giữa nhãn hiệu với thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng ký là xong. Nhưng đối với thương hiệu phải là những gì in vào tâm trí của người tiêu dùng bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình như khi nói đến thương hiệu xe Toyota thì sẽ nghĩ ngay đến chất lượng xe, độ bền của xe.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Ảnh: Quochoi.vn

Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.

Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.

Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất. Do đó, trong thời tới, Bộ NN&PTNT sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.