Đại biểu Quốc hội: Hầu hết vướng mắc có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba cho rằng, việc Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật là xác đáng.

Chiều ngày 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tại buổi thảo luận chiều 25/7, Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn tỉnh Bình Định), hầu hết các hạn chế trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kể cả những vướng mắc, lúng túng vừa qua ở một số địa phương liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 có nguyên nhân do thể chế pháp luật còn hạn chế, bất cập.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, việc Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó nòng cốt là hệ thống pháp luật là xác đáng.
Theo đại biểu, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Cụ thể từ đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức rà soát, đánh giá hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện hàng trăm văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn và đã báo cáo Quốc hội một số nội dung.
Đây là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng để có thể đề xuất chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật sát thực tiễn.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác pháp luật; đầu tư thỏa đáng cả về con người, kinh phí cho công tác pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ngang tầm nhiệm vụ, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách áp dụng pháp luật, đảm bảo cân xứng giữa đội ngũ với khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhiều việc mới, nhiều việc khó.
Cần luật hóa việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch
Theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn tỉnh Nam Định), kết quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của đồng bào cả nước mỗi khi lúc gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Qua đó cũng cho thấy hệ thống chính trị đang vận hành chắc chắn, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch của phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua các quyết sách được ban hành phù hợp với tình hình thực tế, được người dân chấp nhận, tuân thủ.
Đồng thời, chứng minh mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là đúng đắn và đang đi đúng hướng với phương châm sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.
Cho rằng, dù các chỉ thị, nghị quyết đã có hiệu lực, phát huy tác dụng ngay lập tức nhưng đây mới dừng lại ở biện pháp ngắn hạn và nằm ở nhiều văn bản rải rác, chưa có hệ thống, chưa ổn định và có sức sống lâu dài. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị cần thiết phải ghi vào nghị quyết kỳ họp nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Tờ trình của Chính phủ để luật hóa việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch...
Bên cạnh việc tán thành việc Quốc hội kịp thời đưa vào nghị quyết của kỳ họp nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để nhìn nhận, đánh giá toàn diện, làm tiền đề ban hành chính sách, chỉ thị mới trong phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, tăng cường nguồn cung cấp vaccine, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong…