Đại biểu Quốc hội: Khống chế dịch Covid-19 chậm một ngày, khó khăn sẽ theo cấp số nhân

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/7, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).

Tại buổi thảo luận, cho rằng việc tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế nước ta là rất ấn tượng, nhưng, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang), 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Do vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng của cả năm trước hết phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Nấn ná, chậm 1 ngày là mất người, mất của và khó khăn sẽ theo cấp số nhân. Đại biểu tỉnh Bắc Giang khẳng định phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, bày tỏ đồng tình, tuyệt đối tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ.
Theo Đại biểu Trần Văn Lâm, phải tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thích ứng linh hoạt trong dịch bệnh, có như vậy sự phát triển trong quý IV mới là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2021.
Cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô bởi đây là nền tảng để thực hiện các giải pháp thúc đẩy, bảo vệ thành quả nhất là tăng trưởng nhanh, bền vững. Đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, đồng thời hoàn thiện thể chế, đồng thời thực hiện tốt chính sách về môi trường, an sinh xã hội, nhất là sinh kế cho lao động tự do, công nhân, để không ai bị bỏ lại phía sau cả trong dịch bệnh và sau dịch bệnh...
Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, người dân TP Hồ Chí Minh cảm nhận sâu sắc tình đồng bào, tình đồng chí của lực lượng tuyến đầu, tổ chức, người dân cả nước đã gửi đến, chia sẻ nguồn lực cùng TP trong những ngày qua. Đại biểu cho rằng Nghị quyết phòng chống dịch vào trong Nghị quyết của Quốc hội là một trong những sáng kiến rất được ủng hộ.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn tỉnh Bình Dương) chia sẻ, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam bị “thương tổn” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho tình hình xấu hơn nữa, ý thức tự cứu mình của mọi người dân phải nâng lên ở mức cao nhất vì nguồn lực của Nhà nước là có hạn. Tình hình sản xuất trong tâm dịch vô cùng khó khăn. Phải đảm bảo “mục tiêu kép”; sản xuất trong các khu công nghiệp cũng cần sự liên kết; trung chuyển giữa nơi này đến nơi khác vẫn phải duy trì, không để đứt gãy nền kinh tế.
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) cũng bày tỏ thống nhất cao với việc Quốc hội cho phép Chính phủ có những quyết định chưa có trong Luật để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh: "Điểm sáng của kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả đạt và vượt kế hoạch, mặc dù hiện tại tỉ lệ tiêm vaccine của chúng ta còn thấp nhưng cử tri và người dân đều hy vọng với chiến lược vaccine của Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới."
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn tỉnh Gia Lai) tin tưởng Chính phủ sẽ đạt được mục tiêu hạn chế, đẩy lùi được dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần tập trung rà soát những chính sách mới được ban hành, soạn thảo những văn bản mới thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh mới, cần kiểm tra, giám sát thực tế. Đại biểu mong muốn Chính phủ giải ngân vốn đầu tư công nhanh, quyết liệt triển khai ngay từ đầu của nhiệm kỳ.