Đại biểu Quốc hội: Không để nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải giải quyết tố cáo cả đối với cả cán bộ đã nghỉ hưu để đảm bảo công bằng, không để tình trạng “hạ cánh an toàn”. Đó là ý kiến của nhiều ĐB Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng 8/11 về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) phân tích, trong Luật còn có nhiều điều mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn trong phạm vi điều chỉnh thì không quy định giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu nhưng trong điều 4 về xử lý thì lại quy định xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu.
 Toàn cảnh phiên thảo luận tổ sáng 8/11 về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Thực tế xử lý hình sự cũng đang xử lý cả cán bộ hưu, do đó Luật Tố cáo là luật gốc phải quy định việc xử lý này chứ không thể lý giải là luật cán bộ công chức chưa quy định xử lý với cán bộ về hưu nên Luật này không quy định. “Nếu không đưa vào thì chính chúng ta đã cắt bỏ cửa đầu tiên để xử lý những cán bộ về hưu, đây là mong đợi của Nhân dân và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, không thể để tháng nay dân gửi đơn tố cáo cán bộ chưa xử lý, tháng sau dân gửi đơn tiếp thì nói cán bộ kia đã nghỉ hưu rồi nên không giải quyết nữa”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, cho rằng, Luật hình sự không phân biệt công chức hay nghỉ hưu, do đó dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) không điều chỉnh giải quyết tố cáo với cán bộ đã về hưu là không hợp lý.

Theo ĐB Đào Thanh Hải (đoàn Hà Nội), những người nghỉ hưu, theo quy định pháp luật về công chức, viên chức, về cán bộ thì rõ ràng khi người ta nghỉ hưu rồi sẽ không còn là cán bộ ở cơ quan đó nữa. Do vậy khi cơ quan của người cán bộ này lúc còn đang công tác nhận được tố cáo các vi phạm hành chính của người cán bộ đó trong quá trình công tác trước kia, lúc này ai là người ký kết luận kỷ luật cán bộ đó hay không, có quyền ký kỷ luật hay không là vấn đề phải tính tới. Còn việc để thay đổi, khắc phục những sai sót trong quá trình người cán bộ cũ đó có sai phạm là đương nhiên phải làm.

“Quan điểm của tôi, đối với người nghỉ hưu, chúng ta cần có quy định về xử lý, giao một cơ quan nhất định thụ lý, xử lý vấn đề đó thì mới đảm bảo được việc thực thi luật tố cáo đầy đủ, toàn diện, không để lọt sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình những người nghỉ hưu mà có vi phạm, từ trước đến nay nếu là vi phạm hình sự thì đều chuyển các cơ quan thực thi pháp luật để xử lý, còn nếu vi phạm hành chính thì trong luật này cần có một quy định cụ thể về xử lý nhằm không để lọt, không để những người cán bộ có nhiều vi phạm rồi khi nghỉ hưu thì hạ cánh an toàn”.

Về hình thức tố cáo, ĐB Đào Thanh Hải tán thành với việc quy định 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan. Song bên cạnh đó, cũng đề nghị cần bổ sung, quy định rõ các hình thức tố cáo khác như qua hộp thư điện tử, điện thoại, fax nếu có đầy đủ ngày tháng năm tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo thì các cơ quan phải thụ lý, giải quyết. Còn lại những đơn thư mà người ta gửi đến có kèm theo những tài liệu, chứng cứ như ảnh, băng ghi âm, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm… thì dù là đơn thư nặc danh cũng phải xem xét giải quyết, không để lọt vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần