Đại biểu Quốc hội: Không nên để doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giá (sửa đổi). Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nguyên tắc định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá… là vấn đề được quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Quỹ bình ổn giá cần thiết nhưng cần rõ cơ chế quản lý

Theo các đại biểu, Dự án Luật này quy định khá chi tiết nhiều vấn đề nhưng còn mang tính hành chính và yếu tố thị trường trong quan hệ xử lý về giá chưa thể hiện được nhiều, hơi thiên về các quy tắc quản lý nhà nước nhiều hơn. Các đại biểu cho rằng, chỉ nên đưa ra các quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá. 

Đề cập đến Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên nhà nước doanh nghiệp và Nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập, do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu cho rằng để quản lý Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị cân nhắc đến quy định về giá trị thương hiệu.  Theo đó, cần có một nghiên cứu về định giá thương hiệu. Thực tế trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do chưa chú trọng, chưa có quy định cụ thể đến giá của thương hiệu dẫn đến thất thoát. Do đó, trong lần sửa đổi luật này cần có quy định rõ.

Tán thành việc Dự thảo Luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan. Giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong Luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước.

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại hội nghị
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại hội nghị

Về vấn đề định giá, đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, thời gian qua có nhiều vấn đề nóng liên quan đến định giá, nhưng áp dụng pháp luật, các cơ quan chuyên môn phải tham gia tích cực, còn Bộ Tài chính chỉ ở vai trò hỗ trợ. Đại biểu đề nghị cần có quy định để giúp Bộ Tài chính tham gia sâu hơn vào công tác này.

Liên quan đến giá trần dịch vụ hàng không, đại biểu cho rằng cần có quy định cả về giá tối thiểu và giá tối đa, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng lành mạnh giữa các hãng hàng không, đảm bảo lợi ích của người dân.

Quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt

Đặc biệt quan tấm đến vấn đề về "giá dịch vụ y tế”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, trong Dự thảo Luật này, những quy định về giá dịch vụ y tế  rất mờ nhạt hoặc gần như không tìm thấy. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội nghị
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội nghị

Nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi, bởi vậy đại biểu  Nguyễn Anh Trí nêu rõ, giá dịch vụ y tế còn là vấn đề phức tạp hơn nhiều, bởi nó có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại … với các mức giá rất khác nhau. Đơn cử như giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa khác với khám, chữa bệnh trực tiếp; giá khám bác sĩ trong nước khác giá khám bác sĩ nước ngoài… Do vậy, nếu trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể, rõ ràng, mọi thiệt thòi sẽ đổ lên bệnh nhân. Do vậy, cần quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào Dự thảo Luật này.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn tỉnh Lâm Đồng) đề nghị cần bổ sung thêm quy định cấm các hành vi gian lận thương mại, nâng khống giá trị hàng hóa, xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung thêm các hành vi gian dối gây cản trở chính sách bình ổn giá của Nhà nước.

Về danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, các đại biểu đề nghị rà soát kỹ và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Đồng thời chỉ rõ thực tiễn đã có những mặt hàng rất thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng lại không đưa vào danh mục. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về những vấn đề đại biểu đề cập. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về những vấn đề đại biểu đề cập. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị giữ 8 mặt hàng trong Dự Luật này. Đối với các mặt hàng khác như các đại biểu nêu như điện, khí, dầu mỏ, muối, đường, ăn thức ăn chăn nuôi… đã được quy định ở luật chuyên ngành và trong quá trình tổ chức thực hiện có sự tham chiếu. 

Về giải thích từ ngữ hàng hóa dịch vụ thiết yếu, nói đến điều kiện cần và để đảm bảo được hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải có điều kiện đủ là có tác động đến đời sống Nhân dân, theo Bộ trưởng, 2 tiêu chí đưa ra trong Dự Luật nhằm bảo đảm cả điều kiện cần và đủ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cần quy định rõ về định giá và quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính không đứng ngoài cuộc trong quản lý giá và cho biết trong quá trình các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng phương pháp định giá chung đều có ý kiến góp ý của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của đại biểu liên quan đến các khái niệm, các điều cấm, thêm các giải pháp bình ổn giá xăng dầu; hội đồng thẩm định giá, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá, thẩm đinh giá viên, dữ liệu về giá...