Đại biểu Quốc hội kiến nghị đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành - Điện Biên...

Việc đầu tư các dự án là hết sức cấp thiết

Sáng 2/6, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành - Điện Biên... Cùng đó, sớm đưa vào vận hành các cảng biển Cà Ná, Chu Lai, Trần Đề; tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa để đến năm 2030 đạt được 5.000km đường cao tốc.

Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ

Đại biểu mong muốn Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư các Dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đại biểu Tô Ái Vang, việc đầu tư các dự án trên là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của cử tri ở các địa phương. Trong đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 nhằm phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Dự án góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ và phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV cùng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các gói hỗ trợ lựa chọn đúng và trúng đối tượng

Phát biểu tại nghị trường, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí bày tỏ vui mừng khi đất nước kiểm soát được đại dịch Covid-19 và kinh tế - xã hội dần phục hồi với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên đại biểu cho biết, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn. Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Quochoi.vn
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Quochoi.vn

Trước tình hình đó, đại biểu đánh giá cao chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn không chỉ 2% và kéo dài thời gian áp dụng không chỉ trong năm 2022 mà có thể hai năm hoặc dài hơn. Trong đó, chọn những khu vực, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ.

Đại biểu nêu rõ, lựa chọn đúng đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hỗ trợ sẽ phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế. Đại biểu nhấn mạnh, không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý. Lựa chọn khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả, có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hàng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp.

Để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân được tiếp cận, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị, có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND các tỉnh, thành phố; cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả thực kết quả thực hiện,  không để triển khai chậm.

Nhân rộng mô hình thư viện sách giáo khoa

Tham gia tranh luận tại phiên họp về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn tỉnh Nghệ An) nêu rõ, có thể khẳng định Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như là tin học, ngoại ngữ cho học sinh.

Đại biểu Quốc hộiThái Văn Thành (Đoàn tỉnh Nghệ An). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hộiThái Văn Thành (Đoàn tỉnh Nghệ An). Ảnh: Quochoi.vn

Đặc biệt là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Có thể nói, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, tại phiên thảo luận ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đang trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của người dân. Về vấn đề Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong Nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa. Thứ nhất là sách giáo khoa, đó là sách bắt buộc học sinh có đi học.

Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo, loại sách này tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh, nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức nhà nước và Nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. 

Qua đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.