Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội kiến nghị phải cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 26/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ: Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã chỉnh lý, sửa đổi đối với áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan (Điều 4); chính sách về đầu tư kinh doanh (Điều 5); ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6); cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ; bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9); hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 15); thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26); lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29).
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp, đề xuất ý kiến đối với các vấn đề: chính sách về đầu tư kinh doanh, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...
Góp ý kiến về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6) đề cập đến dịch vụ đòi nợ trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất với phương án 2 là không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành; đồng thời đổi tên gọi là kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc thực hiện theo phương án 1 chưa thỏa đáng vì không thể ngành nào Nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho người dân kinh doanh nhưng Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn. Thực tế cho thấy, ngành nghề nào bị cấm nhưng xã hội có nhu cầu rất cần thì lại tồn tại và hiện nay có những trường hợp ngành nghề trá hình nên Nhà nước rất khó quản lý. Tuy nhiên, Quốc hội cần quy định các điều kiện chặt chẽ, ràng buộc hơn; quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp đối với việc thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen như hiện nay.
Không đồng tình với phương án trên, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) lại chọn phương án 1 về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi vì trong thời gian qua, hoạt động này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, do quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện đang hoạt động. Đến nay, nếu như Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) xóa bỏ danh mục trên sẽ tác động không nhỏ tới loại doanh nghiệp này. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần phải có sự đánh giá tác động của việc xử lý loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ; nghiên cứu chính sách bù đắp, hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi chấm dứt hoạt động.
Còn đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên-Huế) đồng thuận với phương án 1 về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì bên vay và bên cho vay là quan hệ dân sự đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, thiết chế để đảm bảo thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên theo nguyên tắc của Nhà nước và pháp quyền. Các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Trong trường hợp về nợ không thể hòa giải, thương lượng, các bên có quyền khởi kiện, nhờ người có chuyên môn pháp luật thông qua khởi kiện để buộc trả nợ và thông qua cơ quan thi hành án để thực thi việc trả nợ.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc thu hồi nợ để biến tướng thành các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn đến nhiều hậu quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người và thúc đẩy nhiều loại hình tội phạm. Vì vậy việc Quốc hội cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoàn toàn hợp lý.
Danh mục, ngành nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 9 gồm 2 nhóm: ngành nghề đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường.
Theo Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang), quy định này là tạo điều kiện của Nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư như hiện nay. Đồng thời giúp cho các nhà đầu tư biết được các danh mục điều tư được dễ dàng. Tuy nhiên, quy định tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 9 còn chung chung và giao cho Chính phủ cụ thể hoá thành danh mục sẽ khó thực hiện và sẽ không có hành lang pháp lý cụ thể hóa Luật này. Do đó, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm công bố thời gian thực hiện thủ tục và cách xử lý khi xảy ra các xung đột giữa các luật cũng như quy định ảnh hưởng, tiếp cận các nhà đầu tư xử lý tình huống cũng như vi phạm trường hợp phát sinh để tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư thuận lợi hơn và quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả hơn.
Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 16) tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính, đất đai. Đại Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, cho rằng thực tế thời gian qua, nước ta liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách nên đã thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như các văn bản pháp luật còn chồng chéo nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách về thuế phức tạp, dễ tạo cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm thuế phải nộp, gây bất công bằng trong việc huy động thuế giữa các đối tượng phải nộp. Ngoài ra, chính sách ưu đãi không ổn định nên doanh nghiệp không tính trước được hiệu quả kinh doanh trong chung và dài hạn cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy nền phát triển nền kinh tế.
Với bất cập trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ về nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô, sự ổn định và minh bạch, cụ thể hóa các luật, tránh sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
Góp ý vào vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: Bên cạnh những quy định, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư thì dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đề cập tới việc nghiên cứu, bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết thì phải thực hiện thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để việc thực hiện đúng đối tượng một cách hiệu quả. Về danh mục ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư tại khoản 3 Điều 16 nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, chứ không nên để Chính phủ có thể sửa đổi những danh mục này.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi); khẳng định các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp đã có nhiều gợi mở để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp rà soát các Luật có liên quan, để có đánh giá toàn diện, tránh được sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp

Đối với nội dung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nội dung này, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước qua hoạt động đầu tư, tránh tình trạng đầu tư núp bóng, đầu tư chui của doanh nghiệp nước ngoài tại các vùng nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Kết luận về phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 19 ý kiến đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp, 4 đại biểu tham gia tranh luận và 18 ý kiến đăng ký thảo luận nhưng chưa được phát biểu cho dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Với những đại biểu chưa được phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các đại biểu gửi nội dung ý kiến về Ban Thư ký.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp, đề xuất ý kiến đối với các vấn đề: chính sách về đầu tư kinh doanh, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện... Đa số các đại biểu thống nhất với phương án cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm đầy đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đề nghị Ủy ban Kinh tế yêu cầu cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng lại Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua./.