Đại biểu Quốc hội lo lắng loạn điểm chuẩn, “mưa điểm 10” thi tốt nghiệp THPT

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Chiều 1/6, tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) nhấn mạnh ngành giáo dục thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu.

Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 sẽ diễn ra trên toàn quốc, đại biểu Nguyễn Thị Hà đánh giá, với nhiều học sinh, kỳ thi có thể coi là bước ngoặt có tính quyết định tới nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là sau gần 2 năm học sinh phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, trước thềm Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân đã dành rất nhiều sự quan tâm cho nội dung này.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đại biểu Quốc hội lo lắng loạn điểm chuẩn, “mưa điểm 10” thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, kỳ thi vẫn tồn tại một số hạn chế như: tình trạng loạn điểm chuẩn, “mưa điểm 10” dẫn đến chất lượng của kết quả thi dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao, học sinh đạt điểm cao vẫn có thể trượt đại học. Việc đăng ký thay đổi nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng bằng hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, thời gian đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng diễn ra cả trước và sau khi thi khiến thí sinh mất rất nhiều thời gian lựa chọn, điều chỉnh, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của các em cũng như tồn tại nhiều nguyện vọng ảo.

Nhằm giải quyết những vướng mắc trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đổi mới cho kỳ thi tốt nghiệp 2022 trong đó phải kể tới những đổi mới về thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển và hình thức nộp hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.

Nếu như các năm trước thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi thì năm nay các em chỉ cần tập trung vào việc ôn thi cho thật tốt, chưa phải lo lắng đến việc xét tuyển. Sau khi đã có kết quả thi thì mới đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, thay đổi này giúp các em ổn định tâm lý trước khi thi, không cần suy nghĩ, lo lắng đến lựa chọn các nguyện vọng. Các em sẽ có điều kiện tập trung ôn tập, từ đó nâng cao chất lượng bài thi. Thí sinh sau khi thi xong biết điểm của mình cũng sẽ có sự lựa chọn ngành và trường phù hợp nhất.

Hơn nữa, việc chuyển đổi hình thức nộp hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến 100% sẽ giúp học sinh có thể hoàn thiện đăng ký và điều chỉnh hồ sơ, nguyện vọng mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống lọc ảo cũng sẽ góp phần giảm đáng kể số lượng thí sinh ảo, thuận tiện cho các bên liên quan.

Để kỳ thi tốt nghiệp được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, quy chế tuyển sinh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích và mục đích của kỳ thi, thông báo rộng rãi những điểm mới về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu và phối hợp. Đây là một nội dung rất cần được đổi mới trong giáo dục.

Ngành giáo dục và đào tạo trong những năm qua đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phục vụ tích cực cho sự đổi mới giáo dục nhưng lại chưa làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, khiến cử tri không kịp thời cập nhật những chính sách thay đổi. Việc thay đổi sách giáo khoa hay việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn chính là minh chứng gần nhất cho việc cần thiết phải làm tốt công tác tuyên truyền.

“Rõ ràng, những thay đổi trên đã được ban hành từ rất lâu nhưng mãi đến khi thời gian thực hiện tới gần thì dư luận mới chú ý, dấy lên nhiều ý kiến và bức xúc cho Nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đồng thời, cần chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi nhất là những khâu trọng yếu như ra đề thi, coi thi, chấm thi đồng thời tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát. Hướng ra đề thi trung học phổ thông cũng cần phải xem xét.

Nếu đề thi hướng đến xét tốt nghiệp thì nên đưa vào nhiều kiến thức cơ bản, ít kiến thức vận dụng cao. Nhưng nếu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học thì tính phân hóa phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, nâng cao ý nghĩa, tính chất của kỳ thi.

“Sự thông suốt về kỹ thuật của hệ thống xét tuyển trực tuyến phải được bảo đảm, có dự báo rủi ro và phương án dự phòng cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi. Khi có tình huống bất thường xảy ra thì phải giải quyết thật nhanh và xử lý dứt điểm”, đại biểu đề xuất.