Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội lo Luật Đất đai (sửa đổi) chậm thông qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều nay, 21/7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Trong đó, Dự án luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp 3 (tháng 5/2022) với 11 nhóm chính sách sẽ được đưa ra sửa đổi.

 "Quyết tâm hơn" để sớm hoàn thành việc sửa Luật Đất đai
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là Dự án Luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa Dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.
"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai Kỳ họp” – Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Thảo luận nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình về dự thảo tờ trình, song một số ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần "quyết tâm hơn" để sớm hoàn thành việc xây dựng Đự án Luật Đất đai (sửa đổi), để luật này sớm được thông qua, đi vào cuộc sống.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), Luật Đất đai đang được cử tri và Nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 3 năm 2022 và thông qua vào Kỳ họp thứ 4 năm 2022, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 Kỳ họp. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.
Theo đại biểu, trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất thu hồi đất… “Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội mặc dù cho quan điểm mở là trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình 2 Kỳ họp. Tôi khẳng định là cần thông qua 3 kỳ họp, bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai” - đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
 Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu tại Kỳ họp
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) lại cho rằng, còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng một dự án luật hết sức cấp bách theo phản ánh của cử tri và chính quyền địa phương, đó là Luật Đất đai.
Luật Đất đai đã được đưa vào chương trình nhiều năm trước đây của Quốc hội khóa XIV, song cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm và đến giờ phút này, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa đổi. Theo đại biểu, nếu Luật được thông qua tại 3 Kỳ họp, như vậy đến giữa năm 2023, dự án luật này mới được thông qua và đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành.
“Thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì cũng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành luật, từ đó dẫn đến có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ luật mới đi vào cuộc sống. Trong khi Luật Đất đai hết sức cần thiết sửa đổi để sớm giải quyết nhiều cái bất cập trong quản lý đất đai trong việc đảm bảo quyền sử dụng tài sản, đất đai của công dân và nhiều vấn đề bất cập khác”- đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu rõ.
 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) phát biểu ý kiến tại Kỳ họp
“Tôi đề nghị nên đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Kỳ họp cuối của năm 2021 để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi luật sớm hơn. Theo nội dung mà tôi nắm được, Bộ Tư pháp đã có tờ trình gửi Quốc hội và cũng đã có nhận xét đánh giá, sự chuẩn bị của cơ quan tham mưu trình dự án luật này đã chuẩn bị khá tốt đủ điều kiện để đưa ra Quốc hội. Tôi nghĩ các cơ quan có liên quan cần phải cố gắng thêm một chút nữa để sớm đưa dự án luật trình ra Quốc hội sửa đổi kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bất cập trong quản lý đất đai hiện nay” - đại biểu kiến nghị.
Vấn đề rất “nóng bỏng” và cần sự thay đổi
Khẳng định việc Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi qua tại 3 kỳ họp là nội dung rất quan trọng, song đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, Quốc hội khóa XIV, năm 2018 cũng đã đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019 là xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, năm 2019 không xây dựng, năm 2020 cũng không xây dựng mà chuyển sang Quốc hội khóa XV. Đến nay, dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2022 với 2 kỳ họp đầu cho ý kiến và tới năm 2023 mới xem xét thông qua.
“Tôi thống nhất với dự báo và nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cứ ghi vào chương trình 3 kỳ họp để lấy ý kiến. Tuy nhiên, vấn đề này nên giao cho Chính phủ và các bộ, ngành, các đơn vị, làm thế nào để đến năm 2022 sẽ ban hành được nội dung này để sửa đổi. Có như vậy mới thể hiện được sự quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan pháp luật trước một vấn đề rất “nóng bỏng” và cần sự thay đổi”- đại biểu Lê Xuân Thân nói.
 Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 21/7. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cũng cho rằng, việc lấy ý kiến, thông qua Luật Đất đai sửa đổi là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi đây là luật có tác động rất lớn tới rất nhiều lĩnh vực.
Đơn cử như thị trường bất động sản, bây giờ giá tăng rất mạnh, thậm chí có thể dẫn tới “khủng hoảng” thị trường bất động sản. Hiện nay, bất động sản ở đây chỉ dành cho những người ở, còn bất động sản về du lịch thì đang xuống. Lý do là hiện nay tất cả các địa phương và các công trình của các doanh nghiệp đã giải tỏa đền bù rồi nhưng đang vướng về Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.
Theo các đại biểu, đây cũng là vướng mắc chung ở hầu hết các địa phương. Vì thế, nếu kéo dài tới Kỳ họp thứ 4 mới đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra để xem xét thông qua thì hàng trăm trăm nghìn tỷ sẽ ứ đọng và hàng trăm doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng rất nguy hiểm. Vì thế, đề nghị cần sớm sửa đổi Luật nếu không Quốc hội phải đưa ra Nghị quyết để sớm giải quyết các bất cập từ Luật và vướng mắc từ thực tiễn.