Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Cán bộ chưa làm hết trách nhiệm
Thời gian qua, thực trạng vi phạm đất đai được báo chí phản ánh ngày càng gia tăng, đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Qua khảo sát của Quốc hội và cơ quan chức năng, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Vừa qua, dư luận nóng lên vì các vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai. Có những vụ đã bị khởi tố, bị can bị bắt giam; có vụ việc được các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, có thể khẳng định, số vụ việc bị phát hiện và xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế.
Dư luận cho rằng, thực trạng vi phạm đất đai trên thực tế nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì đã được phát hiện và xử lý, vì tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.
Như vậy, rất cần có sự đánh giá toàn diện, khách quan và trung thực về tình trạng vi phạm nêu trên để có cơ sở xem xét điều chỉnh chính sách, có biện pháp phù hợp trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý và ổn định tình hình, bảo đảm lợi ích của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước.
Mặc dù Luật Đất đai và các quy định pháp luật đã có các chế tài xử lý nhưng vẫn có nhiều trường hợp vi phạm. Theo ông, nguyên nhân những vi phạm này do đâu?
- Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm về đất đai, đó là kẽ hở luật pháp và việc thực thi pháp luật. Trong đó, nguyên nhân chính yếu là do thực thi pháp luật không nghiêm, như tình trạng vi phạm về đất đai ở huyện Sóc Sơn vừa được Thanh tra TP Hà Nội công bố. Chính quyền được giao nhiệm vụ mà không thực hiện đến nơi, đến chốn hoặc có sự móc ngoặc với người vi phạm để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, cũng có tình trạng vi phạm xuất phát từ phía một bộ phận người dân. Trong đó nổi lên là việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đất rừng; đất nông, lâm nghiệp) để làm nhà, xây dựng công trình trên đất lúa, đất lâm nghiệp là ví dụ điển hình nhất. Nhiều hộ dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa làm nhà khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), có người biết vi phạm nhưng vẫn làm và nếu bị chính quyền “nhắc nhở” thì hoàn tất thủ tục sau.
Phải chăng mức phạt quá nhẹ và chính quyền không nghiêm khắc nên dẫn đến thực trạng vi phạm đất đai ngày càng tăng?
- Việc quản lý đất đai đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND cấp huyện là cấp quản lý có thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, nên phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Cấp chịu trách nhiệm thứ hai là UBND cấp xã, là cấp quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương, sát với dân nên phải giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền vi phạm trên địa bàn.
Rõ ràng hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ cấp huyện, cấp xã, nhất là công chức địa chính chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền hoặc hạn chế về năng lực.
Thậm chí, nhiều địa phương móc ngoặc với người vi phạm, chứng nhận cho các chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, cấp sổ đỏ đất ở không đúng quy định, dẫn đến tình trạng nhờn luật.
Rất nhiều vụ việc khi cơ quan chức năng thanh, kiểm tra đã phát hiện ra có tham nhũng, có “lợi ích nhóm”. Ví dụ, có trường hợp người được thuê, mua đất có quan hệ “thân quen” với lãnh đạo cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao sử dụng đất. Tham nhũng của cán bộ cơ quan có đất cho thuê, chuyển nhượng diễn ra dưới nhiều hình thức, như nhận tiền hối lộ để cho thuê, chuyển nhượng đất với giá thấp; cho thuê, chuyển nhượng với giá cao nhưng thể hiện trong hợp đồng là giá thấp...
“Phạt cho tồn tại” tạo điều kiện cho tiêu cực
Nhiều vụ vi phạm đất đai được xử lý theo cách “phạt cho tồn tại”. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân gây nhờn luật? Theo ông, chúng ta phải thay đổi tư duy xử phạt thế nào, bởi không thể thỏa hiệp, nửa vời với các vi phạm đất đai?
- Thực tế lâu nay tình trạng vi phạm về đất đai diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn rất bất cập khi mà có không ít trường hợp sai phạm tràn lan, rất nghiêm trọng nhưng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương né tránh hoặc tìm cách xử lý bằng hình thức phạt hành chính cho tồn tại. Việc làm đó vô hình trung đã khuyến khích hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, coi thường kỷ cương, pháp luật. Tệ hơn, đây có thể coi là một hình thức bao che, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật của một nhóm lợi ích.
Việc phạt cho tồn tại chỉ là hình thức, tiền nộp phạt chẳng đáng là bao nhưng sự móc ngoặc với nhau sẽ làm băng hoại bộ máy, cán bộ. Vì thế, không thể thỏa hiệp với các vi phạm đất đai, mà phải tạo ra ý thức pháp luật của công dân cũng như ý thức tuân thủ, thực thi luật pháp của cán bộ, công chức.
Ngoài tình trạng nhờn luật, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, vẫn còn những hạn chế, bất cập khiến Bộ TN&MT đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật. Phải chăng pháp luật về đất đai còn kẽ hở dẫn đến tình trạng lách luật, thưa ông?
- Đúng vậy! Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng vi phạm đất đai ở nước ta những năm qua bên cạnh sự buông lỏng kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và sự suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, địa phương thì một phần là do luật pháp còn có những kẽ hở.
Các quy định pháp luật về đất đai hiện còn tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo; từ đó tạo điều kiện lợi dụng làm thất thoát đất đai, phát sinh tình trạng tham nhũng và xảy ra nhiều khiếu kiện. Trong đó, Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đang tồn tại nhiều quy định “vênh” nhau. Ngay trong các văn bản pháp luật về đất đai cũng tồn tại những quy định chưa thống nhất.
Ví dụ, tại Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 lại quy định: Nhà nước không thu hồi sổ đỏ đã cấp trái pháp luật, nếu người được cấp sổ đỏ đã thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật…
Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng nhờn luật và lách luật hiện nay?
- Trước hết, cần sớm hoàn hiện luật pháp, chính sách về đất đai, nhất là hoàn thiện Luật Đất đai và các luật khác có liên quan mâu thuẫn, chồng chéo; các nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, tạo kẽ hở cho các đối tượng trục lợi, kể cả trong việc tuỳ tiện thu hồi dự án đầu tư, mua bán, sử dụng đất đai trái phép, tuỳ tiện, xâm hại lợi ích của Nhà nước, công dân và DN.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về đất đai; tăng cường thông tin về thị trường đất đai, bất động sản một cách công khai, minh bạch; trừng trị thích đáng hành vi tham nhũng đất đai, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội.
Ngoài ra, đầu tư hơn nữa cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, các cơ quan chính quyền cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ làm luật để luật pháp có chất lượng, đi vào cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn ông!