Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Nền kinh tế mất cân đối trên 3 bình diện

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/11, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Anh Tuấn nêu rõ về 3 bình diện nền kinh tế đang mất cân đối.

Thứ nhất, mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu, cho thấy xu hướng xính hàng ngoại, hàng nguyên phụ liệu thay thế nhập khẩu chưa nhiều, mà xuất khẩu lại phụ thuộc vào khối FDI. Mối liên kết giữa khối FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ nước của họ đến 70% linh kiện vật liệu. Năng lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế... Giải pháp để khắc phục sự mất cân đối là liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, liên kết giữa các nhà bán lẻ trong chiến lược đi ra khu vực. 
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn.
Thứ hai, mất cân đối giữa thu chi ngân sách, cơ cấu chi thường xuyên còn khá cao (67%) so với chi đầu tư mới 27%. Mất cơ cấu này có thể giải quyết bằng sắp xếp bộ máy như Nghị quyết T.Ư 6, Khóa XII vừa qua, tinh giản biên chế, tăng cường xã hội hóa dịch vụ công, tích cực áp dụng công nghệ thông tin để giảm biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên. 

Thứ ba, mất cân đối trong đầu tư công. Đây là năm các bộ, ngành đều không đủ kinh phí bố trí cho các dự án. Trong bối cảnh nợ công cao, thủ tục hành chính rườm rà, thì giải pháp là linh hoạt điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án bảo đảm tiến độ, có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế, nhất là kinh tế vùng. 

Theo ĐB, việc thu hẹp những mất cân đối trên là cơ sở để nước ta phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo. Giải pháp cần thiết hiện nay là phải phân bổ vốn hợp lý, chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang dự án cần thiết, tăng cường phân cấp cho các địa phương trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thu hút xã hội hóa...

Vấn đề khám chữa bệnh, bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm. Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang): Không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành y tế và bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, khi có rất nhiều thay đổi chính sách vận hành y tế mới chính thức được áp dụng.

Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản, ngành y tế đầu vào gồm thuốc, vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh, thước đo rõ ràng nhất chính là sự hài lòng của người bệnh. Và ở giữa chính là cán bộ, nhân viên y tế. Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không gây lãng phí, trục lợi bảo hiểm y tế, chúng ta chỉ tác động đến đầu vào và khâu giữa, còn đầu ra là sự hài lòng của người bệnh tưởng khó nhưng không hẳn vậy. Đầu vào dễ là vì chúng ta chỉ việc áp dụng đấu thầu tập trung, áp giá thuốc và vật tư y tế bằng hoặc thấp hơn các nước GDP tương tự Việt Nam trong khu vực.

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, khâu giữa là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến người tạo ra sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần tiến hành đồng thời 2 hướng, thứ nhất là nâng cao chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế. Nếu cứ vừa làm vừa lo thiếu phương tiện, thuốc men, lo chậm trả lương, lo người nhà bệnh nhân có thể hành hung… như hiện nay thì không “từ mẫu” nào có thể yên tâm làm việc được. Và cần nâng cao kiến thức, tái đào tạo nhân viên toàn bộ hệ thống.

Chỉ như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lãng phí, lạc hậu, gây nguy hiểm cho người bệnh. Cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch nhân viên y tế. “Cần có những hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội để xem xét những tranh cãi về cách thức tiến hành chỉ định phương pháp điều trị là đúng hay sai”, ĐB nêu.