Đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua Luật Thư viện

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Phiên họp chiều nay (21/11), với 442 đại biểu tán thành, chiếm 91,51%, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về chức năng, nhiệm vụ của thư viện, Luật quy định, xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện. Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện. Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
 Các đại biểu nhấn nút biểu quyết
Về nguyên tắc hoạt động thư viện, lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân. Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện. Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. Thực hiện liên thông thư viện. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện, Luật quy định các hành vi sau: lợi dụng hoạt động thư viện để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng thư viện vào tệ nạn xã hội. Cung cấp tài nguyên thông tin thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hạn chế quyền tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện trái với quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin về người sử dụng thư viện, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chiếm dụng, đánh tráo, hủy hoại, làm hư hỏng tài nguyên thông tin. Xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện; làm sai lệch, gián đoạn hoặc phá hoại hệ thống thông tin thư viện, cơ sở dữ liệu thư viện.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung sau đây: Ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; Hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; Tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện.
Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau đây: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; Duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; Cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Hợp tác quốc tế về thư viện. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chính phủ quy định chi tiết về thư viện có vai trò quan trọng được ưu tiên đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 và tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Đối với phát triển thư viện số, Luật quy định, xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh; bảo đảm tính mở, liên thông trong tra cứu, khai thác và chuyển đổi dữ liệu giữa các hệ thống lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ cấp quyền truy cập, khai thác tài nguyên thông tin số cho người sử dụng thư viện. Cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin là dữ liệu và các dạng khác.
Luật Thư viện sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 12 năm 2000 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Thư viện thành lập, đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định của Luật này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần