Đại biểu Quốc hội: Phục hồi kinh tế chưa đạt như kỳ vọng

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phát biểu tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên Cương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt các mục tiêu như kỳ vọng. Nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. 

Cần “bắt mạch, kê đơn” phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay

Đề cập đến các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng) cho rằng, còn 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng, có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm tới. Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, qua báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù ngân hàng nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định.

Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự Kỳ họp
Các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tham dự Kỳ họp

Đại biểu cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai.

Đầu tư công cần “bung” ra mạnh mẽ hơn

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hưng Yên), 9 tháng năm 2023 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá và thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia tiến độ, lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có nhiều cố gắng đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hưng Yên) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hưng Yên) phát biểu tại phiên thảo luận. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất kiến nghị một số giải pháp.

Trong đó, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm miễn nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và tài nguyên được ngay.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có giải pháp quyết liệt kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án; công bố giá vật liệu xây dựng phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm. Tiếp tục có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng được nguồn lực từ các dự án bất động sản. Có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền để bảo đảm thanh khoản tốt giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn.

Tiếp tục có giải pháp thấu kính khó khăn để đẩy nhanh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Đẩy nhanh hơn tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021- 2030 theo tiến độ và yêu cầu đề ra, tháo gỡ việc không thống nhất giữa các quy hoạch ở khu vực dự án.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển công ngành công nghiệp cơ khí.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu các chính sách và giải pháp đột phá, đồng bộ tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, nghiên cứu trình Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết riêng để thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp. Qua đó, sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới, đáp ứng nhu cầu sản xuất xe điện trong nước và xuất khẩu, có lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới.