Chế độ chính sách cho nghề giáo phải được ưu tiên trước nhất
Phát biểu về lĩnh vực giáo dục, chế độ, chính sách cho thầy cô giáo nhằm bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm về đạo đức và lối sống như vi phạm các quy định của nhà trường, bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn,…tuy không nhiều nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trách nhiệm chính ở đây là gia đình và nhà trường. Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi thì đạo đức và lối sống của các em sẽ được điều không được điều chỉnh tốt hơn, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, cần phân rõ trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng phạt hãy tin tưởng vào thầy cô và nhà trường – nơi các em được học tập, vui chơi, được dạy dỗ, quan tâm cư xử một cách công bằng.
Đại biểu cho rằng, nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung, không vì một vài trường hợp cá biệt học sinh bị thầy cô la mắng, trách phạt mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô thì khi đó các em sẽ được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn.
Đại biểu cũng phản ánh, trong thời buổi kinh tế thị trường, cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải nhiều bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết.
Nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương của mình.
Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể là phải lo thêm cho gia đình.
Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội có nội dung giao Chính phủ quy định về đỗ xe trong đô thị làm cơ sở cho Chính phủ có căn cứ chỉ đạo ngành giao thông phối hợp với các địa phương có quy định về việc đỗ xe ô tô phù hợp với thực tiễn, nhằm giải quyết tình trạng đỗ xe trước nhà riêng, nơi kinh doanh, trước cơ quan, đơn vị…hài hòa giữa việc không cản trở người dân đi vào nhà mình, không ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh, hoạt động bình thường của các cơ quan, nhằm tránh xung đột không cần thiết, các vi phạm do phá hỏng, làm hư hại các phương tiện đậu đỗ do không có quy định rõ ràng.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để phòng, chống đuối nước ở trẻ em
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn tỉnh Đồng Nai) bày tỏ quan tâm tới vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Theo đó, qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ.
Đại biểu Bùi Xuân Thống nhấn mạnh, đây là vấn đề đau xót mà nhiều năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm chỉ đạo nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ đuối nước vẫn còn cao. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, đại biểu cho rằng nguyên nhân gây tử vong đuối nước là do sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ trong quản lý, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết trong môi trường nước, nguồn lực đầu tư cho việc giáo dục, huấn luyện kỹ năng bơi cho các em học sinh còn nhiều khó khăn và hạn chế, sự quan tâm của các cấp có lúc, có nơi chưa cao nên một số giải pháp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Để việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đặc hiệu quả, nhất là tai nạn do đuối nước, không còn sự tử vong thương tâm của trẻ em, đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định 1248 nghiêm túc để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường học, nhất là vùng nông thôn, khó khăn để đáp ứng được việc dạy bơi em học sinh. Kêu gọi sự quan tâm, chăm lo hơn nữa của xã hội với sự an toàn của trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.
Cần có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ trẻ em mồ côi sau đại dịch
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) bày tỏ quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đại biểu cho biết, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã được Chính phủ trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo. Trong đại dịch Covid-19, trẻ em đã được hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể nhưng cũng còn một số vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, đặc biệt về công tác chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa sau đại dịch.
Bà Mai Thoa cho biết, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp từ các tỉnh, thành phố đến ngày 15/02/ 2022, toàn quốc có 4335 trẻ em mồ côi do Covid-19, trong đó có nhiểu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân.
Đại biểu Mai Thoa cho rằng, mặc dù các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng với các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên khác, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính thức về việc các địa phương đã thống kê đầy đủ số lượng, hoàn cảnh của các cháu và đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đến tận tay các cháu hay chưa?
Đại biểu Mai Thoa đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch.
Đại biểu Mai Thoa nhấn mạnh, chúng ta cần phải có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.
Chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự hiệu quả
Tham gia góp ý trong lĩnh vực giáo dục và thanh thiếu niên, đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang đi đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là vấn đề đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Hà Ánh Phượng đưa ra dẫn chứng cụ thể, kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2021 cho thấy một biểu đồ bất thường khi lần đầu tiên xuất hiện hai đỉnh điểm trong cùng một phổ điểm, trong đó đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 45 điểm và định thứ hai nằm trong khoảng 79 điểm và điều này cho thấy hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh giữa các vùng, miền và khoảng cách này cần sớm được rút ngắn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Ánh Phượng cũng bày tỏ lo lắng vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng con số, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai lứa tuổi 1529 tuổi xin thế giới chỉ sau tai nạn giao thông.
Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng. Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn, cùng với đó là vấn nạn bắt nạt bạo lực trên không gian mạng.