Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Rà soát quy định về chứng khoán và phát hành trái phiếu

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu (ĐB) Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Sáng 1/6, tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm, bàn giải pháp cho những tháng cuối năm 2022.

Xuất hiện các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán

Trong phát biểu của mình tại nghị trường, ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định) cho biết, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường vốn có sự phát triển nhất định, tuy nhiên đã xuất hiện một số vụ việc, biểu hiện không lành mạnh trong thị trường chứng khoán, trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

ĐB Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định) đề xuất, phải rà soát quy định về chứng khoán và phát hành trái phiếu
ĐB Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định) đề xuất, phải rà soát quy định về chứng khoán và phát hành trái phiếu

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này. Cụ thể, các Bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.

Đồng thời, có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.

Giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế

Tại phiên thảo luận, ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do tác động mạnh bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước, kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc, tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta hiện còn gặp nhiều khó khăn, cấu trúc kinh tế còn nhiều bất cập.

ĐB  Quốc hộiTrần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB  Quốc hộiTrần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, nguồn lực nhà nước hỗ trợ phát triển cần tập trung hơn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Huy động tối đa nguồn lực xã hội cho hoạt động đầu tư phát triển, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế; chính sách ổn định giá cả trong thời gian tới cũng cần được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cân nhắc tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế. Đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng những giải pháp ổn định giá cả từ khâu đầu vào sản xuất, lưu thông; ổn định lãi suất trong chính sách tiền tệ, giảm tối đa các hoạt động làm phát sinh chi phí trung gian trong nền kinh tế; ổn định sản xuất, khuyến khích tiêu dùng, ổn định đời sống cho người lao động” - ĐB Trần Anh Tuấn đề xuất.

Phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân

Ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực, ĐB Siu Hương (Đoàn tỉnh Gia Lai) cho rằng, những điểm tích cực tạo tiền đề phục hồi kinh tế trong thời gian tới, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

ĐB Quốc hội Siu Hương (Đoàn tỉnh Gia Lai) phát biểu tại Kỳ họp
ĐB Quốc hội Siu Hương (Đoàn tỉnh Gia Lai) phát biểu tại Kỳ họp

Để phát huy hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đại biểu Siu Hương đề xuất một số giải pháp như phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi những văn bản có liên quan trực tiếp đến các vấn đề như chậm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...

Về phát triển hệ thống giao thông, đại biểu cho biết, những năm qua, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được quan tâm tuy nhiên trong thực hiện nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc từ khâu đền bù, GPMB. Do vậy, đại biểu đề xuất  Chính phủ xem xét tách GPMB thành một dự án độc lập đối với những dự án đầu tư Nhóm A; thực hiện tốt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Có sự phân bổ nguồn vốn hợp lý để phát triển các sản phẩm hàng hóa, phát triển dịch vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, hoàn thiện giải pháp triển khai thực hiện các mô hình mới, mô hình điểm, hỗ trợ kinh phí để nhân rộng các kết quả nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.