Đại biểu Quốc hội rơi nước mắt tranh luận về tăng giờ làm thêm đối với người lao động

Công Thọ - Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) bật khóc khi tranh luận với Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) về phương án tăng giờ làm thêm đối với người lao động.

Không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa
Trước khi các đại biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Trong đó, điểm đáng lưu ý về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Kế thừa quan điểm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận.
  Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 02 phương án kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.
Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
 Toàn cảnh Phiên họp
Về tuổi nghỉ hưu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có hai quan điểm về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau và người lao động (nhất là nhóm lao động trực tiếp) sẽ dễ chấp nhận hơn.

Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo trình Quốc hội 02 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến.
Đại biểu QH rơi nước mắt nói về lương và giờ làm thêm của công nhân
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)), đồng tình phương án tăng lên tối đa 400 giờ/năm so với quy định hiện hành 300 giờ.
Theo đó, đối với một số ngành nghề đặc biệt, thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ/năm. Đây là khung giờ để người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ có giới hạn trong một số rất ít ngành nghề đặc thù, ở thời vụ cao điểm.
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, làm thêm giờ là cực chẳng đã đối với các doanh nghiệp, nhưng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức lao động quốc tế đã xác nhận có tới 99% hợp đồng lao động ngoài giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện cả hai bên. Tổ chức lao động quốc tế cũng cảnh báo hiện tượng có tới 70% doanh nghiệp bị đánh giá không tuân thủ giới hạn tối đa 300 giờ/năm. Điều này phản ánh thực tiễn tăng giờ làm thêm hơn 300 là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng ủng hộ việc giữ nguyên 48 giờ vì cho rằng phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý.
Bởi hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta đều quy định thời gian làm việc ở mức 48 giờ. Trong khi nươc ta vừa thoát khỏi nước nghèo, đang ở mức thu nhập trung bình, năng suất lao động thấp nhất trong khu vực... thì chúng ta áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp.

Theo ông Lộc, nếu rút ngắn thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng... Từ đó khó đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Giảm thời gian lao động sẽ dẫn đến giảm tiền lương của người lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lương cho người lao động bởi mức lương tối thiểu hiện tại mà Hội đồng tiền lương đã thông qua là mức lương tối thiếu được quy định trong thời gian làm việc 48 giờ/tuần. Nếu bây giờ chúng ta giảm xuống 44 hoặc 40 thì chắc chắn phải tính toán lại mức lương này cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế. Hơn nữa, do năng suất lao động và thu nhập của người lao động phần lớn vẫn chưa cao nên nếu giảm thời gian làm việc đồng nghĩa với việc giảm thu nhập. Khi đó, người lao động vẫn cứ phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập... với rất nhiều hệ luỵ khó lường.
Bấm nút tranh luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) đặt câu hỏi: "Không biết anh Lộc lấy cơ sở nào để nói việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là hợp lý, nhân văn và tự nguyện? Trong khi tôi nghe từ những người làm công tác công đoàn cho biết người lao động không muốn làm thêm giờ".
Thực tế người lao động không muốn làm thêm nhưng buộc phải làm thêm do tiền lương làm chính không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Đời sống nhiều người lao động còn khó khăn, chật vật.
Đại biểu nghẹn lời, xúc động nói: "Chúng ta hãy nhìn dáng vẻ, tâm thế người công nhân, đời sống thực tế của họ. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà ở quê chăm sóc, có cha mẹ nào nỡ lòng xa con. Có những người già phải chăm cháu để con đi xa làm ăn".

“Những người lao động như thế, họ không muốn cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng của xã hội, họ phải đi tìm việc làm. Mà nói là họ tự nguyện để làm thêm giờ, tôi cho rằng cần phải làm sáng tỏ vấn đề này”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Theo bà, người lao động không tự nguyện, mà họ phải làm thêm để có thu nhập. Vậy vai trò của Quốc hội là phải làm chính sách thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ để học tập, nâng cao tay nghề, chăm sóc bản thân, gia đình… Đó là những quyền con người được hiến pháp quy định.

Bà nêu câu hỏi: “Các đại biểu có nghĩ đến những quy định về quyền con người được quy định trong hiến pháp phải bảo vệ như thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của giới chủ với người lao động nữa!".

Theo bà, tính “nhân văn” ở đây chính là bảo vệ quyền con người trong quan hệ sử dụng lao động.

“Tôi muốn nói thêm rằng sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc. Đó là sự tiến bộ của xã hội. Sự tiến bộ xã hội ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động?!”- bà Quyết Tâm nói.

Cũng về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, theo quy định hiện hành, thời giờ lao động bình thường của người lao động Việt Nam đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Số giờ làm việc hiện nay của người lao động nước ta là 48 giờ/tuần, cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/ năm, thì tổng quỹ thời gian làm việc của người lao động lên đến 2620 giờ/năm, trong khi ở Trung Quốc là 2288 giờ/năm và ở Hàn Quốc là 2246 giờ/năm.
Trong khi xu hướng giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trên cơ sở đầu tư phát triển phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tăng năng xuất lao động nhưng cũng duy trì sức khỏe bảo đảm khả năng lao động của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động văn hóa.

Cho rằng Việt Nam cần tiệm cận với xu hướng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, giám sát và chế tài còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tăng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức. Đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án là không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa so với quy định hiện hành và cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức doanh nghiệp vi phạm các quy định  của Bộ luật Lao động.