Đại biểu Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận chiều 2/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong các phiên họp trước, Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Đồng thời, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về nội dung này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu tập trung thảo luận vào việc lập và chấp hành dự toán quyết toán ngân sách năm 2020; thảo luận các nội dung về chính sách tài khóa, tính đầy đủ, chính xác, hợp lý, hợp pháp của số liệu kiểm toán. Trong đó có cả quyết toán thu ngân sách nhà nước, quyết toán chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, bội chi ngân sách và các khoản vay bù đắp bội chi…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát biểu đi thẳng vấn đề, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và đề xuất rõ các giải pháp tránh trùng lắp và bảo đảm thời gian theo quy định. Quá trình điều hành các thành viên Chính phủ được mời để trao đổi, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

Tránh lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực

Là đại biểu đầu tiên phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất, việc để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng không chỉ cho tiêu dùng cá nhân mà còn ở các trung tâm CDC Sở Y tế gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tới công tác phòng, chống Covid-19. Theo cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an thì sau 17 tháng, công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test Covid-19 từ tháng 4/2020 đến 4/2021, công ty này chỉ bán kit test cho CDC và Sở Y tế cũng đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu, không kể những đến sai phạm nêu trên, tại một số thời điểm, trong thời gian phòng chống dịch, nhất là vào những tháng cuối năm 2021, khi thực hiện bước chuyển chiến lược sang mô hình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, việc đưa ra yêu cầu về kit test Covid-19 âm tính là một trong những điều kiện để đi lại... cũng tiêu tốn một nguồn lực rất lớn mà còn lãng phí nguồn lực của xã hội. Ngoài ra, sự hạn chế tham gia của hoạt động y tế tư nhân trong công phòng, chống dịch Covid-19 cũng là sự lãng phí nguồn lực xã hội... Đại biểu đề nghị các bộ, ngành báo cáo rõ nét hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang)
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang)

Thứ hai, theo báo cáo, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 có kết quả đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Đại biểu cho rằng cần có sự phân tích kỹ lưỡng chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không. Ở một số cơ quan, địa phương có tình trạng cào bằng giữa các đơn vị, dẫn đến một số đơn vị quá tải công việc, cần giữ nguyên số biên chế hiện có, nhưng lại phải cắt giảm biên chế theo yêu cầu chung.

Theo đại biểu, cần hiểu đúng việc tinh giản biên chế không phải là tiết kiệm về số lượng, mà là dùng đúng người, đúng việc theo yêu cầu vị trí việc làm, cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này.

Lãng phí thời gian là sự mất không của xã hội

Phát biểu tại Kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn tỉnh Bắc Giang) bày tỏ quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đại biểu, thời gian là thứ quý giá nhất, lãng phí thời gian là sự mất không của xã hội, nó khác biệt với lãng phí vật chất. Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội, nếu việc thực thi pháp luật chưa được tối ưu thời gian cho các tổ chức, cá nhân, đó mới chính là sự lãng phí lớn nhất.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn tỉnh Bắc Giang)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn tỉnh Bắc Giang)

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị xem xét ngay trong Kỳ họp này để ban hành Nghị quyết quyết định một số nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo đồng bộ và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp tỉnh. Nếu được vậy, đại biểu tin rằng sẽ không chỉ đem lại hiệu quả cao cho công tác hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn đảm bảo kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, chịu trách nhiệm của các địa phương, khắc phục tình trạng chậm trễ trong đầu tư công.

Khắc phục triệt để trong mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan Nhà nước

Cũng quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế, đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông)

Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị do quy trình thanh lý Chủ tịch UBND tỉnh mất nhiều thời gian, không kịp thời cho việc xử lý tài sản.

Liên quan đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, đại biểu cho rằng, hiện nay đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Đề cập về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, đại biểu nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí… Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần