Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Quản lý Nhà nước phải rà soát, cơ cấu lại

Hà Bình ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/7, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề quản lý Nhà nước...

Kinhtedothi - Ngày 21/7, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có môi trường, đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần kịp thời sửa hoặc hoàn thiện thể chế luật pháp trong việc phân công, phân cấp quản lý môi trường. Nên thống nhất giao về một bộ duy nhất, bởi hiện nay chất thải rắn là Bộ Xây dựng, chất thải độc hại là Bộ TN&MT, chất thải y tế là Bộ Y tế quản lý giám sát. Bài học về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đã cho thấy, người dân cuối cùng vẫn bị tác động rất nghiêm trọng.

Điểm lo ngại nhiều là về mặt xã hội

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Quản lý Nhà nước phải rà soát, cơ cấu lại - Ảnh 1Nhiều ý kiến lo ngại khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, liệu có ảnh hưởng đến phát triển của cả năm, thưa ông?

- Nhìn về trung hạn, tất cả các dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao. Điều quan trọng hơn là chúng ta đang đi đúng hướng, chứ không phải chỉ số tăng trưởng cao hay thấp.

Còn điểm mà chúng ta lo ngại nhiều đó là về mặt xã hội. Cụ thể là biến động về thiên tai làm ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân. Trong khi khu vực nông dân nông thôn có tới 67% dân số đang sống. Như vậy nó ảnh hưởng đến vấn đề ổn định đời sống ảnh hưởng đến hộ nghèo, cận nghèo. Đó là vấn đề thách thức ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Một vấn đề nữa là trong cơ cấu quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực xã hội, môi trường, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm hình như chúng ta đang có vấn đề. Tức là việc phân cấp giữa T.Ư và địa phương, giữa các ngành. Ví dụ trong vấn đề chất thải thôi mà nhiều bộ quản lý là không ổn. Hay vấn đề xây dựng có rất nhiều thanh tra, sở, ban, ngành nhưng nhà trái phép vẫn mọc lên. Như vậy là quản lý Nhà nước phải cơ cấu, rà soát lại cả về thể chế và phân cấp để làm sao nâng cao hiệu quả quản lý.

Vậy khi GDP không đạt, chúng ta giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói, có thể thấy tương lai Việt Nam đang đi đúng hướng, vấn đề là ta cần tự tin vào đường đi của mình. Một trong những đường đi là ta đang cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nên nhiều DN đăng ký hoạt động. Nhiều DN trước đây đã đóng cửa ngừng trệ thì bây giờ tiếp tục đăng ký hoạt động trở lại. Điều đó cho thấy một tương lai tốt. Còn GDP trong 6 tháng qua có những nguyên nhân khách quan do tác động từ bên ngoài hay tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, ngoài ra còn nguyên nhân do con người gây ra, và thể chế làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nếu thể chế không bền vững mà cứ thay đổi sẽ tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh.  

Dự án không thỏa mãn tiêu chí môi trường phải dừng ngay

Liên quan đến vấn đề môi trường, quanh những sự việc xảy ra tại Formosa Hà Tĩnh, ý kiến của ông ra sao?

- Dự án Formosa không còn là của riêng Hà Tĩnh nữa, mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, cả ngành kinh tế biển, du lịch; liên quan đến cả đất nước và nền kinh tế của Việt Nam. Cho nên, khi giải quyết, Formosa phải được xem là dự án của quốc gia và do đó không thể giao cho UBND tỉnh hay Sở TN&MT Hà Tĩnh giải quyết vấn đề chất thải ở đây. Theo tôi, tất cả việc xử lý hậu quả và những động thái tiếp theo cần giao cho một đơn vị của một Ủy ban quốc gia, dưới sự giám giát của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội. Đây là yếu tố cần phải đưa lên hàng đầu, là điều cử tri “đặt hàng đối với các Ủy ban”.

Đồng thời, tất cả những điều đó phải được xem xét thận trọng và có một cơ quan để thẩm định giám sát và trả lời thỏa đáng cho cử tri.

Xin cảm ơn ông!