Mở đầu bài phát biểu tại buổi thảo luận tổ Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho biết: “Tôi rất tâm đắc nhưng cũng bàng hoàng trước nhận định của Hội đồng Dân tộc đánh giá sự phát triển của vùng dân tộc miền núi có 5 cái nhất gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất”.
ĐB đoàn Hà Nội đã trăn trở rất nhiều về 5 cái nhất này để tìm ra, đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi theo ĐB, nguyên nhân khách quan thì khó điều chỉnh, còn nguyên nhân chủ quan chúng ta quyết tâm vẫn có thể giải quyết được.
Theo ĐB Nguyễn Quang Tuấn: Kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất chắc chắn là nguyên nhân gây ra tỷ lệ nghèo của dân tộc thiểu số miền núi cao nhất, với trên 28%. Nguyên nhân khách quan và không thay đổi được là khu vực này có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, vùng núi cao, ngắt đoạn, núi đá nhiều.
Tuy nhiên, có hai nguyên nhân chủ quan hoàn toàn có thể thay đổi được là: Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất và tiếp cận dịch vụ phúc lợi cơ bản kém nhất. Đây là những điều kiện cơ bản hình thành 1 con người, 1 công dân có ích cho xã hội, đó là giáo dục đào tạo và tình trạng sức khỏe.
Theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc, cho dù chúng ta có nhiều chương trình, dự án, đã tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó ưu tiên phát triển giá dục đào tạo cho khu vực đồng bào dân tộc miền núi, thiểu số; nhưng vẫn có tới 21% đồng bào dân tộc thiểu số ít người trên 15 tuổi mù chữ; hơn 1/5 đồng bào dân tộc thiếu số miền núi mù chữ; tỷ lệ học sinh miền núi tới trường PTHT mù chữ gần 42%.
“Như vậy, chắc chắn đồng bào miền núi, thiểu số sẽ bị bỏ lại phía sau trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, nếu chúng ta không tập trung quyết liệt thay đổi giáo dục đào tạo, đặc biệt là xóa nạn mù chữ cho đối tượng này. Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT phải có rà soát sâu, rộng, chi tiết, thực tế, cụ thể để tham mưu cho Chính phủ có chính sách quyết liệt, hiệu quả hơn đối với đào tạo, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và ít người”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Nguyên nhân chủ quan thứ hai hoàn toàn có thể thay đổi được mà ĐB Nguyễn Quang Tuấn đề cập là khả năng tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế cơ bản. ĐB cho biết: “Nhiều ĐB cũng giống tôi, rất bàng hoàng khi biết tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ít người có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm cao nhất với trên 93%; nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của họ là kém nhất, chi trả bảo hiểm trên đầu người, đầu thẻ là thấp nhất”.
“Tại sao lại thế?”, ĐB đoàn Hà Nội đặt câu hỏi.
Theo ĐB, chúng ta có quá nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản là đối tượng này có quá nhiều bệnh không thể chữa được vì trình độ bác sĩ ở cơ sở có hạn, trong khi không đủ phương tiện kỹ thuật. Thậm chí, chúng ta phát hiện ra, chuẩn đoán ra bệnh nhưng không có đủ điều kiện, thuốc men để chữa cho bà con. Chính vì thế, chi trả trên đầu người, đầu thẻ ở đối tượng này rất thấp. Điều này cũng cho thấy sự mất công bằng trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế.
Một vấn đề bất cập nữa được ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói tới là có một số tỉnh, từ thôn, xã đến bệnh viện huyện xa hàng trăm km, có những nơi, phải mất 6 – 8 tiếng nếu đi quãng xa như vậy. Trước đây, có 1 số đơn vị phòng khám đa khoa trung tâm được phép điều trị nội trú cho bà con với cơ chế tương tự như một bệnh viện tuyến huyện, nhưng hiện nay không được phép điều trị nội trú qua đêm nữa. Do vậy, bà con rất khó tiếp cận với các dịch vụ y tế khi có cách trở về quãng đường, chuyên môn, phương tiện, đặc biệt là sự quan tâm chưa xứng đáng cho y tế cơ sở.
“Một điều bất công nữa là 70% bệnh nhân khám ở tuyến y tế cơ sở, nhưng Bảo hiểm y tế chỉ trả có 30% lượng tiền, trong khi 30% lượng bệnh nhân khám ở tuyến tỉnh, TP trực thuộc TƯ lại chi tới 70% số tiền bảo hiểm. Mặt khác, hiện nay, nhiều nơi vẫn chỉ coi y tế cơ sở là tuyến đầu, chỉ tiêm phòng, phòng dịch, nên quy định mức chi tiền cho y tế cơ sở chỉ từ 10% đến dưới 20% tổng số người bệnh đăng ký bảo hiểm tại cơ sở.
“Như vậy, vô hình chung chúng ta đã trói chặt cơ hội của đội ngũ những người ở y tế cơ sở muốn đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, muốn đóng góp để nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tôi mong Chính phủ sớm thay đổi chính sách liên quan đến đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt là vấn đề tiếp cận y tế cơ sở của đồng bào dân tộc miền núi, ít người”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.
Để giải quyết được vấn đề giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ĐB Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, quan trọng là phải có đất đai- tài sản sinh tồn cho đồng bào sinh tồn, bởi hiện nay đất đai ở khu vực miền núi ngày cảng giảm để nhường đất cho các công trình quốc gia (thủy điện). Từ đó, nảy sinh việc thiếu đất ở, sản xuất, chất lượng đất cũng ngày cảng giảm. Vì vậy, khi đầu tư cần phải tính bài toán hiệu quả và có quỹ đất cho người dân canh tác để đảm bảo cuộc sống, sản xuất để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phải có chính sách hợp lý để kêu gọi các DN đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn miền núi để đồng bào có việc làm, vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc phát triển vùng dân tộc miền núi là một bài toán rất khó đối với Chính phủ, tất cả hệ thống chính trị và các địa phương. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhưng có nhiều khó khăn khách quan chi phối như: Yếu tố tự nhiên, địa lý, văn hóa, trình độ phát triển… Do đó, ĐB Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các địa phương tham vấn để các bộ, ngành có thể đưa ra các chính sách đặc thù cho từng vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực này hiệu quả, ổn định, bền vững.