70 năm giải phóng Thủ đô

Đại biểu Quốc hội tranh luận quy định về sách giáo khoa

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quy định liên quan đến vấn đề sách giáo khoa phổ thông là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội chuyên trách khi thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tại hội nghị ngày 4/4.

Thêm quy định mới
Đây là Dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 120 Điều, bổ sung nhiều nội dung mới tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, Dự Luật đã bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
 Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh:Quochoi.vn
Mặt khác, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ cao đẳng, Dự Luật đã bổ sung quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 29: Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Dự Luật cũng quy định các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội (Điều 28).
Một hay nhiều sách giáo khoa?
Bàn về quy định về sách giáo khoa quy định tại Điều 32 của Dự Luật, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm, việc quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa tuân thủ theo quy định của pháp luật” và  “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn” là chưa phù hợp, cần thiết phải cân nhắc thật kỹ quy định này.
Theo Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi), thuật ngữ “sách giáo khoa” được hiểu là một loại sách chuẩn cho một môn học, ngành học. Do vậy, yêu cầu chung đặt ra là kiến thức trong sách giáo khoa phải khoa học, chuẩn xác. Đặc biệt, sách giáo khoa ngoài việc cung cấp kiến thức còn phải có chiều sâu giáo dục hình thành nhân cách; phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc… để phát triển con người. Theo nội dung quy định của luật thì mỗi trường được quyền tự chọn sách giáo khoa. Đại biểu lo ngại mỗi trường, mỗi năm học, mỗi nhiệm kỳ hiệu trưởng lại lựa chọn sách khác nhau thì nội dung học liên tục xáo trộn, việc này cũng gây lãng phí lớn.
 Đai biểu Quóc hội Phạm Thị Thu Trang. Ảnh:Quochoi.vn
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sách giáo khoa cần phải thống nhất sử dụng chung trong cả nước, do Hội đồng cấp Quốc gia do Chính phủ thành lập biên soạn, sử dụng được nhiều lần và chỉ mở rộng một số môn học để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Cùng với đó, quy định Hội đồng cấp quốc gia tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, nâng cao để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Qua khảo sát thực tiễn tại nhiều địa phương, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chỉ nên có 01 chương trình và 01 bộ sách giáo khoa thống nhất áp dụng chung trong cả nước mà thôi. Cùng một địa phương mà mỗi trường giảng dạy một sách giáo khoa khác nhau là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc quy định "cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn" cũng còn mang tính hình thức. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thật thận trọng đối với nội dung này.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) gợi ý, trên thế giới, nền giáo dục nhiều nước đã xây dựng được những bộ sách giáo khoa thực sự tiến bộ, chuẩn mực, ưu việt. “Dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao Việt Nam cứ phải cố công đi biên soạn lại sách, phức tạp, tốn kém. Việt Nam đã có thời gian dài dùng bộ sách của Pháp, kết quả mang lại là một lớp những nhà khoa học, trí thức rất lỗi lạc” – Đại biểu đề nghị xem xét đề xuất dịch sách để học
Giải trình thêm về chủ trương chương trình và sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ sẽ thực hiện đúng như mục tiêu, tinh thần như Nghị quyết 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Tuy nhiên, khác với những lần đổi mới trước, lần này chương trình tổng thể sẽ bám vào mục tiêu, đi vào chi tiết và môn học, tất cả được xây dựng trên nguyên tắc chuẩn đầu ra, có sự logic giữa các môn học. Để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và tính văn hóa địa phương, trong chương trình thiết kế tỷ lệ 80% sử dụng trên toàn quốc, còn lại 20% thiết kế linh động theo tính địa phương. Các chương trình này sẽ được thẩm định có linh hoạt, sau đó mới ban hành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:Quochoi.vn
"Sách giáo khoa cũng không phải mỗi người viết một kiểu, mà phải bám vào khung chương trình để viết, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn vấn đề này" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói. Đồng thời cũng khẳng định bộ sách của Bộ GD&ĐT chỉ đạo biên soạn và các bộ sách khác của các tổ chức, cá nhân biên soạn không có gì bất bình đẳng và các bộ sách đều được hội đồng thẩm định xong thì mới được lưu hành. Quy định nhiều bộ sách giáo khoa là để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc giảng dạy học sinh, không lệ thuộc vào sách
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thực hiện khung chương trình phải nhất quán, trong tháng 4/2019 người viết sách giáo khoa sẽ được tập huấn. Theo chủ trương, việc làm sách giáo khoa phải trên tinh thần khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng, tránh thụ động dựa vào sách giáo khoa để thầy giảng, trò chép.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, hiếm có luật nào được bàn luận sôi nổi như Luật Giáo dục (sửa đổi), thể hiện sự quan tâm lớn của đại biểu và toàn dân. Phó Thủ tướng cũng cho biết, mong muốn trong luật thì nhiều và cụ thể, tuy nhiên, Luật Giáo dục không đứng riêng được mà phải đứng trong tổng thể, luật dù có tốt nhưng còn phải liên quan tới các luật khác. “Có nhiều vấn đề hạn chế, tiêu cực trong ngành, nhưng nhìn lại không phải do luật chưa tốt mà do thực hiện chưa tốt. Luật Giáo dục lần này đã bám vào xu thế thế giới để hội nhập, trong đó có xu thế là không nhồi nhét, phải sáng tạo và tận dụng công nghệ mới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.