Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Theo đại biểu, trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng Y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch, nhưng cần làm rõ mô hình của Hội đồng Y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào. Đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định “được ưu tiên theo quy định của pháp luật”, cần quy định cụ thể những vấn đề được ưu tiên...
Cùng về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong Dự Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.
Đại biểu K'Nhiễu (đoàn tỉnh Lâm Đồng) cũng cho rằng, không nên quy định Hội đồng Y khoa do Nhà nước thành lập, mà nên là một tổ chức độc lập, do Bộ Y tế thành lập và chủ trì để thực hiện đúng chức năng là đơn vị, cơ quan tham mưu cho Chính phủ.
Tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn tỉnh Bình Định) cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng.
Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng Y khoa quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Đinh), đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.
Về hợp tác công tư, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ liên kết với tổ chức nước ngoài… đã được ban soạn thảo tiếp thu rõ ràng, tuy nhiên cần quy định thêm về hợp tác phi lợi nhuận. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để xây dựng và các cơ sở công lập sẽ sử dụng tiền lãi tiếp tục tái đầu tư cho phục vụ hoạt động nhân đạo.
Cũng liên quan đến vấn đề Hội đồng Y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, sửa đổi như Dự Luật hiện nay là đủ. Vì phải xác định Hội đồng Y khoa quốc gia là một Hội đồng mang tính kỹ thuật về bài, về cách tổ chức thi, xác định điểm thi. Do đó đại biểu mong muốn các đại biểu yên tâm về vấn đề này.
Trao đổi với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm gia đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.
Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tổ chức, Dự Luật lần này quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình hội đồng y khoa nên Dự Luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.