Phân bổ không đồng đều các tuyến đường bộ cao tốc giữa các vùng miền
Tham gia chất vấn, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) phản ánh tình trạng hiện nay một số tuyến đường giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường cao tốc có nhiều đoạn đi xuyên qua rừng tự nhiên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để vừa xây dựng được được các tuyến đường nhưng hạn chế, giảm thiểu tác động đến rừng?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề cập đến các tuyến đường bộ cao tốc phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền; các vùng kinh tế động lực như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ khắc phục tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân tỉnh Bình Dương rất phấn khởi khi có nhiều công trình giao thông cấp quốc gia được xây dựng trên địa bàn của tỉnh, giúp tạo ra kết nối liên vùng, tạo đà cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn rằng, tuyến đường 1A có đoạn dài 6 km chạy qua thành phố Duy An, tỉnh Bình Dương nay đã được nhà đầu tư bàn giao lại cho Bộ, nhưng trạm thu phí chưa được dỡ bỏ và hệ thống đèn chiếu sáng hư hỏng nặng. Theo kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản đề nghị cho lắp lại hệ thống chiếu sáng và đề nghị Bộ bàn giao tuyến đường trên cho Bình Dương quản lý xong đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu đặt câu hỏi, khi nào kiến nghị trên sẽ được xử lý?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho biết, sắp tới ngành giao thông triển khai đồng bộ rất nhiều tuyến cao tốc và các công trình giao thông lớn trên toàn quốc. Do vậy, số lượng, chất lượng thực hiện, nhất là quản lý nhân lực có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến tiến độ hoàn thành chất lượng công trình. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm đánh giá của Bộ trưởng về vấn đề này và giải pháp xử lý trên phạm vi quốc gia và ngành quản lý cho vấn đề này như thế nào?
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang), thời gian qua, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, trong đó có hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để đầu tư cho giao thông, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, các dự án BOT giao thông mới ngày càng vắng bóng, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông hiện nay lại rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn, bất cập lớn nhất trong thu hút triển khai các dự án BOT giao thông hiện nay là gì và những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?
Cân đối các tuyến đường cao tốc
Về giải pháp triển khai một số dự án đường xuyên rừng quốc gia, rừng tự nhiên mà không làm ảnh hưởng lớn đến rừng và môi trường sinh thái, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ có nhiều giải pháp, đã được ứng dụng trong việc xây dựng đường Hồ Chí Minh xuyên qua rừng Cúc Phương. Có thể thực hiện làm đường trên cao, hoặc để tiết giảm chi phí hơn thì làm đường chừa nhiều cầu, hầm để thú rừng có thể đi lại, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế bảo vệ rừng sinh thái, rừng đặc dụng. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc làm đường qua rừng đặc dụng là bất khả kháng mới phải làm, sẽ hết sức tránh để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây nguyên.
Để khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Hy vọng rằng với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các dự án trọng điểm quốc gia đều mang tính liên vùng và trong điểm của các địa phương. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng và trực tiếp kiểm tra công trường để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.
Về các gói thầu ký hợp đồng trọn gói giá cố định, Bộ trưởng cho biết hiện ở Bộ Giao thông có một số gói thầu nhỏ, còn những gói thầu lớn đều có điều chỉnh giá, hiện nay việc điều chỉnh giá ở gói thầu lớn tương đối thuận lợi. Với gói thầu nhỏ, Chính phủ đã nghe phản ánh từ các địa phương, Bộ, ngành, gói thầu nhỏ, gói thầu trọn gói, gói thầu cố định giá đang gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời hy vọng có sự phối hợp giữa các địa phương và các Bộ, ngành trong tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế giải quyết vấn đề này, khắc phục những khó khăn bất khả kháng trong tình trạng hiện nay.
Về việc huy động thực hiện các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết, năm 2015 rất nhiều dự án BOT được thực hiện một cách sôi nổi. Tuy nhiên, theo nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Mà việc làm tuyến đường mới thì tốn nhiều chi phí, thu phí BOT thì thấp. Do đó, nên vấn đề huy đông thực hiện các dự án BOT đang gặp khó khăn.
“Ngoài ra, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện nay chưa thực sự hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải. Do đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để có hướng giải quyết thỏa đáng, khả thi, đưa ra các giải pháp điều chỉnh thể chế, tạo cơ chế tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin.