Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đường bộ.
Ưu tiên phát triển xe điện
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, cần bổ sung quy định về ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Hiện nay đã hình thành loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe điện, dự báo loại hình này sẽ phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần có chính sách ưu tiên để phát triển thành phương tiện phổ thông, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần phát triển giao thông xanh, bảo vệ môi trường.
Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông quá khổ, quá tải đường bộ trái quy định. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt công trình đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung việc ưu tiên đầu tư hệ thống chiếu sáng trên đường bộ có lưu lượng xe lớn, qua khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, để đảm bảo an toàn giao thông, vì ở vùng có khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, có lưu lượng xe đông, số lượng công nhân, người làm việc lớn, làm việc theo ca, nên cần phải đảm bảo hệ thống chiếu sáng, để đảm bảo an toàn giao thông.
Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho biết, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”.
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, bởi phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn.
Khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh- BRT, xe buýt).
Cùng với đó, cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của dự thảo Luật.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, với xu thế phát triển công trình ngầm trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị....