Chiều 16/11, đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trước Quốc hội, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu hiện tiền ảo Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng. "Thống đốc có đồng ý đề xuất cho Đại học FPT thu học phí sinh viên bằng tiền Bitcoin, hay Công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền Bitcoin này? nếu quản lý được thì đây là kênh thu hút vốn đầu tư rất lớn, bắt kịp công nghệ 4.0?
Đại biểu cũng nêu thực tế hiện vẫn còn lượng lớn vàng, ngoại tệ trong dân. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động vốn trong dân? Nhấn mạnh tình trạng vốn trong dân còn lớn và có thể huy động được khi dân có niềm tin, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường dẫn ví dụ về nhà tư sản Trịnh Văn Bô - người đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho nhà nước trong Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn |
"Nếu dân có niềm tin thì tôi cho rằng dân sẽ giúp nhà nước trong việc huy động vốn, như cụ Trịnh Văn Bô xưa hiến hơn 5.000 lượng vàng. Hiện nay, dự báo có 500 tấn vàng đang nằm trong dân. Thống đốc có giải pháp gì hợp lòng dân? Thống đốc có cam kết bảo đảm tiền gửi cho người dân hay không bởi cam kết tạo niềm tin với dân là rất quan trọng?", đại biểu hỏi.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề hiện nay ước tính lượng vàng và ngoại tệ trong dân còn rất lớn. Nếu huy động được lượng vàng và ngoại tệ này thì sẽ huy động được nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. "Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này?", Đại biểu Nguyễn Sơn hỏi.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, đề cập đến vấn đề tiền ảo Bitcoin, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, trên thế giới, nhiều nước đang nghiên cứu về vấn đề quản lý Bitcoin như thế nào? Ngân hàng Nhà nước tìm hiểu và thấy rằng, có một số nước cấm tuyệt đối giao dịch Bitcoin; một số nước không thừa nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán, nhưng không cấm giao dịch, và khuyến cáo những rủi ro liên quan đến giao dịch; một số ít quốc gia cho Bitcoin là phương tiện thanh toán như Nhật Bản.
Ở Việt Nam, về quan điểm của Ngân hành Nhà nước: “Chúng tôi có nhiều khuyến cáo và có thông cáo báo chí nói rõ, theo quy định pháp luật hiện hành Bitcoin không phải là đồng tiền giao dịch, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy các giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đũng quy định pháp luật hiện hành”, Thống đốc cho biết.
Về góc nhìn Bitcoin là tài sản, hàng hóa, Thống đốc cho rằng hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau, việc này Chính phủ có chỉ đạo giao cho các bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu đề án về khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thện đề án, tạo cơ sở pháp lý.
Về vấn đề cụ thể, việc đề xuất cho trường Đại học FPT thu học phí bằng tiền Bitcoin, Thống đốc cho biết, đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được đề xuất chi tiết, khi nhận được đề xuất sẽ nghiên cứu, hướng dẫn đại học FPT thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Nếu ngoài thẩm quyền, Ngâ hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành, báo cáo Chính phủ.
Về nội dung đại biểu hỏi “làm sao huy động nguồn lực trong dân”? theo Thống đốc lê Minh Hưng, chính sách và giải pháp để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội là một trong những nội dung được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ năm 2016. Thống đốc cho rằng, giải pháp căn cơ, bền vững nhất là Chính phủ và các bộ ngành kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố giá trị tiền đồng Việt Nam, tạo được lòng tin của người dân, trên cơ sở đó người dân không bỏ tiền đầu tư vào vàng hay ngoại tệ mà chuyển sang tiền đồng Việt Nam để gửi tiết kiệm, hoặc trực tiếp đầu tư trên thị trường chứng khoán, đầu tư kinh doanh... việc này cần có thời điểm và lộ trình.