Áp lực sau kỳ thi
Với quan niệm chỉ vào ĐH mới có thể thành đạt, không ít phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, nên đã sốc khi con trượt. Thay vì an ủi, động viên, họ lại mắng mỏ, đay nghiến con. Điều này vô tình tạo áp lực nặng nề cho các em. Em Nguyễn Phương Thảo (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Nếu trượt ĐH, em sẽ bị cha mẹ trách mắng, cảm thấy mất tự tin và không đủ nghị lực để lựa chọn con đường khác". Cũng chung tâm trạng, Ngọc Phương (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Em chỉ sợ thi trượt lại bị bố mẹ mắng. Hàng ngày mẹ thường nói, đầu tư bao công sức, tiền của cho con mà không đỗ thì công sức mẹ bị đổ xuống sông, xuống biển… Thay vì thi xong được vui chơi thoải mái, em lại thấy lo lắng".
Thực tế cho thấy, học giỏi nhưng do chủ quan hoặc nguyên do nào đó lại không đỗ ĐH, hay có khi đỗ ĐH chưa chắc đã đủ năng lực để hoàn thành chương trình, học giỏi ra trường cũng chưa chắc xin được công việc phù hợp… Có nghĩa là trượt ĐH không phải là chấm hết con đường sự nghiệp mà sẽ còn có nhiều con đường khác để lập nghiệp, ngoài việc học ĐH. Theo TS Cao Văn Tuân, BV tâm thần T.Ư I: "Việc kỳ vọng quá nhiều của các bậc phụ huynh vào con, vô tình trở thành gánh nặng tinh thần cho các em. Kỳ thi đã đi qua, thời gian này đang đợi kết quả, bố mẹ nên tạo cho con tâm lý thoải mái. Dù kết quả có thế nào thì các bậc cha mẹ đều nên động viên để sớm ổn định tinh thần cho các em".
Nên chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp
Bên cạnh những người đặt mục tiêu "con phải đỗ ĐH", vẫn có những phụ huynh cho rằng, ngoài vào ĐH còn nhiều con đường dẫn đến thành công. Anh Nguyễn Văn Bình (Tuyên Quang) cho biết, con anh thi ĐH đạt 20 điểm, nhưng cháu đăng ký ở một trường ĐH lớn, nên cơ hội đỗ không cao: "Cũng không vì thế mà tôi trách mắng cháu. Tôi đã tìm hiểu thông tin về các trường CĐ, TC nghề, tôi thường nói với cháu, vào được ĐH là tốt, nhưng không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi cách. Con chọn được cho mình một ngành nghề phù hợp, ổn định với cuộc sống sau này mới là quan trọng". Còn anh Mai Văn Thắng (Hà Nội) chia sẻ: Biết điểm thi của con đạt dưới trung bình, biết con buồn nên cả gia đình phải động viên: "Ngoài ĐH vẫn còn nhiều con đường, còn nhiều ngành nghề phù hợp với năng lực, đáp ứng được nhu cầu cho xã hội".
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, khi con thi trượt, cha mẹ nên gần gũi con để chia sẻ, đồng cảm, cho con một không gian thư giãn thoải mái, bầu không khí gia đình đầm ấm vui vẻ... Mỗi gia đình cần vạch ra cho con những viễn cảnh tốt đẹp hơn, từng bước cùng con lập kế hoạch năm mới, có thể sẵn sàng cho một kỳ thi sắp tới, cũng có thể định hướng cho con một nghề phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ không nên tỏ thái độ thất vọng, so sánh con với những bạn khác...
Quanh việc giảm áp lực cho các thí sinh dự thi vào ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay: "Bộ đang thay đổi, mở rộng mạng lưới ĐH, CĐ. Đến năm 2020, chúng ta có thể dành 1 triệu chỗ cho thí sinh vào ĐH. Như vậy, áp lực thi sẽ không còn, chúng ta chỉ còn tổ chức thi vào ĐH nghiên cứu tầm cao, ĐH tinh hoa và sẽ kiểm soát được chất lượng đào tạo. Khi đó, chất lượng tuyển sinh sẽ tốt hơn bây giờ. Hiện nay, khi cầu lớn hơn cung thì chúng ta vẫn phải duy trì tuyển sinh để đảm bảo chất lượng".