Theo quy chế, thí sinh muốn dự tuyển vào chương trình đào tạo TS phải có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy đúng ngành từ loại giỏi trở lên. Hoặc đối tượng dự tuyển có bằng thạc sĩ (Ths) đúng ngành/chuyên ngành, hoặc ngành/chuyên ngành gần với ngành/chuyên ngành đăng ký dự tuyển. Trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển, thí sinh là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 1 bài báo hoặc 1 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện. Thí sinh cũng phải có đề cương nghiên cứu, trong đó nêu rõ tên đề tài dự kiến, lĩnh vực, một số nội dung và phương pháp nghiên cứu chủ yếu và dự kiến kết quả đạt được. ĐHQGHN quy định luận án TS phải phát hiện và giải quyết vấn đề mới, đóng góp cho khoa học và thực tiễn.
Đào tạo trình độ TS theo hình thức giáo dục chính quy, tập trung. Do đó, nghiên cứu sinh (NCS) phải dành ít nhất 12 tháng theo học liên tục tại trường trong 24 tháng đầu. Thời gian đào tạo chuẩn trình độ TS đối với người có bằng Ths là 3 năm và 4 năm áp dụng cho người chưa có bằng Ths. Luận án TS phải là kết quả nghiên cứu khoa học của NCS, chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn. ĐHQGHN khuyến khích NCS viết luận án và bảo vệ bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác. Quy chế cũng nêu rõ tiêu chuẩn, người hướng dẫn chính phải có chức danh GS hoặc PGS hay học vị TS khoa học với chuyên môn phù hợp đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của NCS. Đối với người có bằng TS nhưng chưa có chức danh GS, PGS hoặc học vị TS khoa học, phải có tối thiểu 3 năm hoạt động chuyên môn kể từ khi được cấp bằng TS thì được giao hướng dẫn phụ cho NCS.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của NCS phải thực hiện cũng như trách nhiệm và quyền hạn của đơn vị đào tạo. Ngày 24/11/2017 quy chế mới có hiệu lực và áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2018.