Đại học Sư phạm Hà Nội không tuyển thí sinh nói ngọng: Quy định có từ lâu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những quy định trong đề án tuyển sinh năm 2019 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là không tuyển thí sinh bị nói ngọng, nói lắp. Đại diện nhà trường khẳng định, quy định này đã có từ nhiều năm và đây không phải là “rào cản” với các thí sinh nói tiếng địa phương.

Giáo viên không nên nói ngọng, nói lắp. Ảnh minh họa
Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Hà Nội Trịnh Tuấn Anh cho biết, quy định không tuyển thí sinh nói ngọng, nói lắp, bị dị hình, dị tật đối với các ngành đào tạo giáo viên đã được nhà trường đã áp dụng nhiều năm nay chứ không phải năm nay mới thực hiện. Trường cũng đã gửi dự thảo đề án tuyển sinh năm 2019 tới Bộ GD&ĐT để chờ phê duyệt. Nếu Bộ có ý kiến góp ý, nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện để công bố chính thức cho thí sinh.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, không nên phân biệt quá chi tiết ở quy định này giữa nói ngọng và nói tiếng địa phương. “Hiện có rất nhiều sinh viên quê gốc ở miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh…) dù nói tiếng địa phương nhưng vẫn theo học tại trường bình thường. Hơn nữa, trong nhiều năm qua gần như chưa có trường hợp thí sinh nào vi phạm quy định về nói ngọng mà được tuyển vào trường, cũng như các em nói tiếng địa phương, vùng miền mà bị buộc thôi học cả" - ông Tuấn Anh cho hay.
Thực tế, số lượng giáo viên nói ngọng đang công tác trong ngành giáo dục không nhiều. Giáo viên nói ngọng khi giảng bài sẽ khiến học trò có ấn tượng không tốt về người thầy, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Do vậy, việc xóa nói ngọng trong nhà trường là điều cần thiết.
Tuy nhiên, với thực tế giọng địa phương, vùng miền của giáo viên khắp mọi miền đất nước đa dạng nên theo nhiều ý kiến của nhiều thí sinh, trong quy định tuyển sinh của trường Đại học Sư phạm cần có giải thích rõ giữa khái niệm “nói ngọng” và “nói giọng địa phương”.
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, tật nói ngọng thường hình thành từ thói quen ngôn ngữ, phát âm mang tính địa phương. Nếu có sự kỳ thị, thậm chí là miệt thị thì họ sẽ rất lúng tung, tự ti và càng dễ mắc lỗi phát âm. Thực tế, giáo viên nói ngọng là có nhưng không thể đưa ra khỏi ngành vì lỗi phát âm. Do vậy, việc sàng lọc từ đầu vào tại các trường sư phạm là cần thiết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần