Đại học Y Hà Nội: Đổi mới toàn diện mô hình đào tạo

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế đào tạo tại Đại học (ĐH) Y Hà Nội không còn phù hợp với yêu cầu hiện nay, vì thế GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết sẽ thực hiện mô hình đào tạo bắt buộc 6 + 3.

Thưa GS, chương trình đào tạo y khoa của ĐH Y Hà Nội hiện tại có hạn chế gì so với các nước trong khu vực?
- Không thể nói là chương trình đào tạo của mình không tốt. Tuy nhiên, không phù hợp với thực tế vì thiết kế mấy chục năm nay, lúc đó số lượng sinh viên ít và được thực hành trên bệnh nhân nhiều; thầy dành nhiều thời gian cho đào tạo, hướng dẫn lâm sàng. Mang chương trình đó vào hiện tại có mấy điểm không phù hợp. Đó là nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người bệnh cao hơn nhiều, yêu cầu năng lực cũng phải đáp ứng. Tiếp đến, chương trình nặng về lý thuyết, ít thực hành, nội dung còn chồng chéo, không tích hợp nên các môn học rời rạc. Vì nội dung các môn học không gắn kết với nhau nên người học khó vận dụng được sớm cũng như tư duy một cách logic, ảnh hưởng đến kết quả thu được của sinh viên.
Thực ra, đối với ĐH Y Hà Nội, rất nhiều thầy cô liên tục đổi mới cả về chương trình, phương pháp, lượng giá, tổ chức dạy học. Tuy nhiên những đổi mới vẫn mang tính nhỏ lẻ, còn việc đổi mới chương trình đào tạo thì gần như chưa thực hiện.
Nhà trường sẽ đổi mới đào tạo theo hướng nào?
- Đó là nâng cao năng lực cho sinh viên khi tốt nghiệp, đồng thời phải hội nhập quốc tế. Chính vì thế, phải đổi mới nhiều yếu tố như chương trình, phương pháp dạy học, cách thức lượng giá, quản lý cơ sở vật chất. Nói chung là đổi mới toàn diện, cơ bản.
Mô hình đào tạo y khoa của trường trong tương lai 6 + 3 khác biệt thế nào với hiện nay?
- Đây là mô hình đào tạo y khoa hoàn chỉnh. Người học 6 năm ra chưa hành nghề ngay mà học thêm 3 năm nữa. Sau 3 năm được đào tạo chuyên khoa hoàn chỉnh, có thể ra hành nghề độc lập. Trước đây, học xong 6 năm có thể ra làm nghề, rồi quay lại trường học chuyên khoa 1, 2. Vẫn là cộng thêm 3 hoặc 4 năm, tuy nhiên nó rời rạc, và cũng không biết bao giờ người ta mới có thể quay lại trường học chuyên khoa hoặc có người không trở lại học thì không đạt được trình độ chuyên khoa và đủ độc lập. Khi đào tạo theo mô hình bắt buộc 6 + 3, năng lực hành nghề cao hơn.
Với mô hình đào tạo mới, chuẩn đầu ra sẽ thay đổi, thưa ông?
- Chuẩn đầu ra phù hợp với giai đoạn 6 năm, chứ không đặt ra học xong 6 năm hành nghề độc lập. Bây giờ Luật Khám chữa bệnh yêu cầu phải có tiền hành nghề và hành nghề trong chuyên khoa mình đã học. Theo quan niệm mới, bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình phải được đào tạo thêm 3 năm mới được hành nghề.
Nhà trường chuẩn bị thế nào để thực hiện lộ trình đổi mới?
- Có rất nhiều thứ phải chuẩn bị như viết lại chương trình, sách giáo khoa, câu hỏi lượng giá; chuẩn bị cơ sở vật chất, ca bệnh, mô hình, ngân hàng câu hỏi… Khi nào chuẩn bị xong xuôi, thấy khả thi, chắc chắn thì mới đổi mới. Chúng tôi hy vọng năm học 2019 - 2020 sẽ áp dụng chương trình mới cho khóa Y1.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam quy định thời gian đào tạo ĐH từ 120 - 180 tín chỉ, quy ra 3 - 5 năm. Đào tạo ngành y có rút ngắn thời gian?
- Khung trình độ quốc gia Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành là bước tiến quan trọng đối với hội nhập quốc tế và có nhiều ảnh hưởng tốt đến quá trình đào tạo. Tuy nhiên, đây là khung năng lực chứ không đề cập đến đào tạo ngành y. Ngành y cũng sử dụng khung năng lực này và chiếu theo đó thì đào tạo y khoa 4 năm coi như đã đạt trình độ cử nhân và học thêm 2 năm tương đương thạc sĩ. Đào tạo y khoa 6 năm mới chỉ là một giai đoạn, mà phải thêm một giai đoạn nữa từ 3 – 5 năm, thậm chí nhiều hơn mới hoàn chỉnh và hành nghề độc lập trong chuyên ngành đã học. Chính vì thế, tôi thấy Khung trình độ quốc gia Việt Nam không mâu thuẫn với đào tạo y khoa.
Xin cảm ơn GS!