Đại hội Bất thường UPU lần thứ 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ ngày 24-26/9/2018, tại Geneva (Thụy Sĩ), Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã tổ chức Đại hội Bất thường lần thứ 3 trong lịch sử 145 năm của tổ chức bưu chính toàn cầu.

Từ ngày 24 - 26/9/2018, tại Geneva (Thụy Sĩ), Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã tổ chức Đại hội Bất thường lần thứ 3 trong lịch sử 145 năm của tổ chức bưu chính toàn cầu (chỉ một năm sau Đại hội bất thường lần thứ 2 năm 2018 tại Ethiopia) với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống thanh toán thù lao giữa Bưu chính các nước trong Liên minh đối với bưu phẩm dạng E trước tuyên bố của Chính phủ Mỹ về việc sẽ rút khỏi UPU (có hiệu lực từ ngày 17/10/2019).

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội
Trên cơ sở ba phương án sửa đổi hệ thống thanh toán thù lao của Hội đồng Điều hành (CA) và Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của UPU và một số đề xuất phái sinh của một số nước thành viên, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận và phân tích các tác động liên quan để tìm giải pháp phù hợp nhằm củng cố Liên minh và duy trì một mang lưới bưu chính duy nhất toàn cầu ổn định; cân bằng lợi ích của các nước khác nhau trong kỷ nguyên phát triển bùng nổ thương mại điện tử, kho vận và tích hợp sản phẩm.
Trước thềm Đại hội, nhiều ý kiến lo ngại khi có nhiều đề xuất được đưa ra và ý kiến phân tán. Tuy nhiên, tại Đại hội, Văn phòng quốc tế UPU cùng với các nước khởi xướng các đề xuất như Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Nga, Kenya, Nam Phi, Nhật Bản, Trung Quốc… đã tích cực phối hợp để xem xét lại toàn bộ các phương án nhằm đưa ra một phương án tối ưu, hài hòa nhất bảo đảm thỏa mãn yêu cầu của các nước có lưu lượng trao đổi quốc tế lớn, của các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Cuối cùng, một phương án mới (được gọi là phương án V với hàm nghĩa Victory/Chiến thắng) được đưa ra và nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn bộ Đại hội. Nội dung cơ bản của phương án V là: Trong năm đầu thực hiện 2020, áp dụng hệ thống thanh toán hiện tại với mức giá cước sàn thanh toán tăng 20% so với giá cước hiện tại.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021 - 2025), áp dụng nguyên tắc các nước nhận bưu phẩm E chiều đến từ ngày 01/01/2021 có thể tự công bố mức giá cước phát trong nước tối đa bằng 80% chi phí khai thác nội địa. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sẽ chưa phải áp dụng giá cước tự công bố khi sản lượng bưu phẩm E các luồng đi/đến/giữa các nước dưới ngưỡng 100 tấn. Các điều, khoản sửa đổi, bổ sung Công ước UPU liên quan đến nội dung của phương án V đã được Đại hội đồng thuận thông qua.
Việc đổi mới về hệ thống thanh toán thù lao đối với bưu phẩm dạng E là một nội dung có tính chuyên môn sâu nhưng lần đầu tiên UPU đã phải tổ chức một Đại hội Bất thường để giải quyết bởi đây là một nội dung rất quan trong, mang tính lịch sử của Liên minh và đặc biệt liên quan đến tính thống nhất của tổ chức quốc tế liên Chính phủ, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà khai thác bưu chính được chỉ định của các nước thành viên. Nhiều đoàn đã cử lãnh đạo cấp bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ, trưởng phái đoàn các nước bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Geneva đã tham dự Đại hội.
Theo thông báo của Văn phòng Quốc tế UPU, tham dự Đại hội lần này có gần 800 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia thành viên UPU, đại diện một số tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ có liên quan. 
Trưởng đoàn Việt Nam Trưởng đoàn Việt Nam
Được sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội gồm cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Bưu chính, Vụ hợp tác quốc tế)  và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam do bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh Vụ trưởng Vụ Bưu chính làm Trưởng đoàn.
Để chuẩn bị nội dung tham dự Đại hội, từ kỳ họp Hội đồng Điều hành/Hội đồng Khai thác Bưu chính (CA/ POC) tháng 4/2019, tổ công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và đoàn công tác tham dự Đại hội đã phối hợp nghiên cứu, chuẩn bịkỹ nội dung các phương án tham gia đóng góp của Việt Nam đối với nội dung thảo luận tại Đại hội. Đoàn công tác đã bám sát diễn biến tại Đại hội, chủ động gặp gỡ và trao đổi với các nước thành viên UPU và đã phối hợp rất chặt chẽ, tham vấn với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Genevađể xem xét đưa ra quan điểm trong bối cảnh Đại hội có nhiều diễn biến phức tạp và nhạy cảm.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đã cùng tham dự Đại hội và phối hợp hoạt động với đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại phiên họp thống nhất phương án cuối cùng, Đại sứ đã thay mặt Việt Nam phát biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ của Việt Nam đối với phương án V - phương án đồng thuận của Đại hội và chúc mừng thành công của Đại hội. Trưởng đoàn Việt Nam bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký các sửa đổi, bổ sung Văn kiện tại Đại hội lần này. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần