Ngân hàng lớn, giá cổ phiếu lẹt đẹt - vì sao?
Sacombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tổ chức ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến, nhằm tạo điều kiện cho cổ đông trên toàn quốc tham dự, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định và hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại Đại hội, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc bao giờ họ được chia cổ tức. Ông Phạm Văn Phong - Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực cho biết, trong quá trình tái cơ cấu, Sacombank chỉ được chia cổ tức sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Trong năm 2019, HĐQT kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên, ngân hàng chưa nhận được ý kiến phản hồi, HĐQT tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.
Lãnh đạo Sacombank cũng cho hay, đây là vấn đề HĐQT thấu hiểu và chia sẻ với cổ đông. “Lợi nhuận tích luỹ hiện tại hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được NHNN đồng ý mới được chia. Thay mặt cổ đông chúng tôi sẽ tiếp tục xin NHNN” - ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank thông tin.
Một câu hỏi khó khác mà HĐQT Sacombank bị chất vấn là vì sao ngân hàng có lợi nhuận khả quan mà giá cổ phiếu vẫn lẹt đẹt? Trả lời về vấn đề này, đại diện HĐQT Sacombank cho hay, thực tế, giá cổ phiếu Sacombank thời gian qua dao động quanh mức 10.000 đồng. Đầu năm 2020, cổ phiếu STB có lúc lên gần 13.000 đồng, sau đó Covid-19 xảy ra bị bán hàng loạt, STB có lúc xuống đáy 7.500 đồng.
Hiện tại, STB lại lên trên 10.000 đồng là đã có sự tăng trưởng tở lại khá ấn tượng.” Hiện, STB giá trị sổ sách xấp xỉ 15.000 đồng, đang giao dịch dưới giá trị sổ sách có thể là cơ hội để cổ phiếu đi lên sau khi quá trình tái cấu trúc thành công”- vị này nói.
Theo báo cáo tại đại hội, trong năm 2019 Sacombank ghi nhận sự tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động; hoàn thành 3/6 chỉ tiêu chính, các chỉ tiêu còn lại cũng đạt kết quả khả quan với tỷ lệ trên 97% kế hoạch mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do hạn chế về tăng trưởng tín dụng của NHNN.
Cụ thể, tổng tài sản hơn 453 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm, đạt 99,% kế hoạch; Huy động vốn tăng 11,9% đạt hơn 414 nghìn tỷ đồng - đạt 97,8% kế hoạch; dư nợ tín dụng tăng 15,3% đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng - đạt 99,4% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%, giảm 0,22% so với mức 2,11% của năm trước - đạt kế hoạch cổ đông giao dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 43,2% đạt 3.217 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm 2018 - đạt 121,4% kế hoạch.
Xử lý nợ xấu, bảo vệ tài sản ngân hàng
Xử lý nhanh các khoản nợ xấu, bảo vệ tài sản của Sacombank cũng là mong muốn của nhiều cổ đông. Báo cáo tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc cho biết bước sang năm thứ 3 của đề án tái cơ cấu ngân hàng đã thu hồi và xử lý được 38.346 tỷ đồng các khoản nợ thuộc đề án; tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với cuối năm 2016 và còn chiếm tỷ trọng 13,8% tổng tài sản.
“Tuy nhiên, Sacombank chưa đạt được mức tăng trưởng quy mô kinh doanh, dư nợ tín dụng như kế hoạch tại đề án do bị hạn chế về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng NHNN. Đồng thời, tiến độ thu hồi và xử lý nợ xấu phụ thuộc vào thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý tài sản đảm bảo chưa được tháo gỡ”- bà Diễm báo cáo.
Với việc xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản thế chấp khu công nghiệp Phong Phú mà cổ đông thắc mắc, bà Diễm lý giải ngân hàng đã tiến hành đấu giá, song UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu dừng để kiểm tra cơ sở pháp lý. Sacombank đã rất hợp tác gửi hồ sơ pháp lý, khi Ủy ban thông qua sẽ tiến hành bán đấu giá lại.
Về kế hoạch năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số chỉ tiêu được HĐQT Sacombank điều chỉnh giảm. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước.
Việc giảm chỉ tiêu lợi nhuận này cũng khiến các cổ đông băn khoăn. Vấn đề này, HĐQT Sacombank cho biết, trong trường hợp dịch bệnh kiểm soát tốt hơn thì sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận bằng năm 2019.
Thêm loạt câu hỏi lớn với NHNN
Ngoài chất vấn HĐQT Sacombank, nhiều câu hỏi khó về các biện pháp giáp sát và kiểm soát với Sacombank cũng được các cổ đông nêu ra. “Tại sao thời ông Trầm Bê còn ở đây, NHNN không giám sát, vì sao trước khi sáp nhập không cảnh báo mà đến bây giờ lại giám sát khi ngân hàng làm tốt”- một cổ đông lên tiếng.
Một cổ đông khác đề nghị: “Đề nghị NHNN có ý kiến, tại sao NHNN chen chân vào việc chia cổ tức của ngân hàng? NHNN chỉ nên giám sát, quản lý về chính sách?”. Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh cho hay: “Chúng tôi chịu áp lực lớn, trên có NHNN dưới là các cổ đông. Hi vọng 2022 - 2023 sẽ không phải nói những điều như thế này, sẽ bứt phá mạnh. Khi ấy tái cơ cấu xong chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần và được chia cổ tức. Sacombank mong NHNN có thêm nhiều hỗ trợ”.
Cũng theo ông Minh, lợi nhuận tích luỹ của Sacombank hiện tại hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được NHNN đồng ý mới được chia. Sacombank sẽ tiếp tục xin NHNN.