Đại hội cổ đông Techcombank nóng chuyện truy cổ tức

Chia sẻ Zalo

Trong khi cổ đông trách cứ lãnh đạo Techcombank “quên” họ vì 5 năm liền không trả cổ tức, Chủ tịch Hồ Hùng Anh lại khẳng định việc này là để đảm bảo giá trị cổ phiếu khi lên sàn vào năm 2017.

Đại hội cổ đông của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tuy bắt đầu muộn hơn dự kiến nhưng lại “nóng” từ rất sớm với phần “truy” cổ tức của nhiều cổ đông nhỏ. Dù chưa đến phần thảo luận nhưng một cổ đông lớn tuổi vẫn tự đứng lên nêu ý kiến.

“Ngân hàng làm gì cũng tốt, nói gì cũng hay nhưng có cái là quên cổ đông. Nếu không có lãi thì tôi không ý kiến nhưng tại sao vẫn lãi hơn 2.500 tỷ mà lại không chia cổ tức một đồng nào”, vị này nói.

Ngay sau đó, một số cổ đông khác cũng đứng lên cho rằng mình “cực kỳ buồn” vì nhiều năm liền không có cổ tức, trong khi với số vốn hàng tỷ đồng ông đầu tư vào Techcombank hoàn toàn có thể nhận được mức lãi tốt nếu gửi tiết kiệm. Một người cho rằng nếu cổ đông buồn thì nỗi buồn ấy sẽ lan sang các lãnh đạo và đề nghị: “Hãy quan tâm cổ đông và trả cổ tức, dù là bằng cổ phiếu”.
Lãnh đạo Techcombank cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng xứng đáng trên 20.000 đồng chứ không phải mức 10.000 đồng khi chào sàn.
Lãnh đạo Techcombank cho rằng giá cổ phiếu ngân hàng xứng đáng trên 20.000 đồng chứ không phải mức 10.000 đồng khi chào sàn.
Là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank kiên định với chính sách không trả cổ tức nên đây cũng không phải lần đầu tiên ban lãnh đạo này đối mặt với những chất vấn gay gắt của cổ đông tại mỗi kỳ họp thường niên. Theo tờ trình gửi cổ đồng, lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế đến hết năm 2015 vẫn còn hơn 2.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT vẫn đề xuất không chia mà để dành phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Trả lời từng câu hỏi, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết mình cũng là một cổ đông và rất chia sẻ tâm tư này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên công bằng với ban điều hành bởi đã lèo lái đưa ngân hàng vượt qua khó khăn và giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu trong năm 2015. “Nếu không chia thì tôi cũng không được gì, và những gì còn lại vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu chứ trong ngân hàng không ai rút một đồng nào của các cổ đông cả. Nếu chia xong mà để khi niêm yết cổ phiếu chỉ bán dưới giá 10.000 đồng thì có nên không”, ông Hùng Anh nói.

Vị lãnh đạo cũng cho biết năm 2017 cổ phiếu TCB sẽ lên sàn và tất cả những quyết định này là để giá trị cổ phiếu Techcombank ở mức tốt nhất và được thị trường công nhân mức giá đó. Theo ông, mức giá phải là 20.000 đồng chứ không thể dưới 10.000 đồng. Trong năm 2016, Techcombank sẽ làm các thủ tục để niêm yết cổ phiếu theo các quy định hiện hành.

Cũng tại Đại hội cổ đông, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cũng chia sẻ về khoản đầu tư hợp tác với Vietnam Airlines để xây dựng hãng hàng không SkyViet. Trước thắc mắc tại sao không đề cập tới việc này khi báo cáo cổ đông, vị lãnh đạo ngân hàng khẳng định đây chỉ là khoản đầu tư nhỏ nếu so với quy mô của ngân hàng và Vietnam Airlines (VNA). Theo ông, hai bên có quan hệ hơn 10 năm, trước đây Techcombank là cổ đông lớn và hiện còn tham gia một phần vào vốn của VNA. “Ngân hàng tham gia vốn vì kỳ vọng sự phát triển của VNA và quan hệ này mang về lợi nhuận rất lớn cho ngân hàng. Trong lộ trình tiếp theo, Techcombank không nghĩ duy trì khoản đầu tư này lâu mà hiện chỉ duy trì ở mức củng cố quan hệ giữa hai bên”, ông nói.

Theo Chủ tịch Hồ Hùng Anh, khoản đầu tư này cũng thông qua công ty quản lý quy của ngân hàng và một số nhà đầu tư mong muốn tham gia vào SkyViet chứ ngân hàng không trực tiếp góp vốn nên không đưa vào báo cáo. Với vai trò là cổ đông VNA, Techcombank có thể sẽ hỗ trợ VASCO tái cấu trúc.

Câu chuyện về Techcombank liên tục thay CEO trong vài năm trở lại đây cũng khiến nhiều cổ đông băn khoăn. Lý giải về việc này, ông Hồ Hùng Anh thừa nhận hai CEO ngoại trước đây nhiệm kỳ làm việc không được lâu, chỉ trên 2 năm do còn nhiều hàng rào về ngôn ngữ, văn hoá cũng như nhu cầu cá nhân nên không thể gắn bó. Tuy nhiên, ông Hùng Anh cũng nhắc đến ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Phó tổng giám đốc điều hành thường trực hiện nay, người có thể sẽ được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc sẽ là một giải pháp tối ưu. “Ông Quốc Anh cũng từng làm việc tại nước ngoài, hiểu được văn hoá người Việt nên có thể tạo sự ổn định lâu dài”, ông Hùng Anh nói.

Năm 2015, sau thuế, Techcombank lãi 1.529 tỷ đồng. Năm 2016, ban lãnh đạo ngân hàng này cũng nêu mục tiêu tăng lãi 74%, từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 3.543 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng được dự kiến tăng 15%, huy động vốn tăng 21%, dư nợ tín dụng tăng 18%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần