Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội cổ đông VIB: 5 năm, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dẫn đầu ngành ngân hàng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ). Đây cũng là cái tên ngân hàng đầu tiên tiến hành ĐHCĐ trong năm 2022.

 Năm 2021 là năm kết thúc giai đoạn 1 của hành trình chuyển đổi 10 năm ở VIB (2017 - 2026). Trong 5 năm qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức tăng trưởng kép tới 63%, dẫn đầu ngành ngân hàng.

Trả lời câu hỏi về cho vay người liên quan ở VIB, ông Ân Thanh Sơn- Phó Tổng giám đốc VIB cho biết, theo báo cáo đã công bố thì khoản vay liên quan người liên quan của ngân hàng năm 2021 chỉ có 19 tỷ đồng. "VIB là ngân hàng không cho vay đối với người liên quan hay sân sau gì cả, rất lành mạnh và "sạch" - ông Sơn chia sẻ, và cho biết thêm việc này có Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ.

Lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng không cho vay đối với người liên quan, rất lành mạnh và “sạch”
Lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng không cho vay đối với người liên quan, rất lành mạnh và “sạch”
 Sáng 16/3, theo thông báo của Ban tổ chức, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) không thể tham gia họp do liên quan đến quy định về phòng chống dịch Covid-19. Người được ông Vỹ uỷ quyền chủ toạ là ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT- Tổng giám đốc.

Báo cáo tại đại hội về kết quả kinh doanh 2021, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng ngân hàng vẫn đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và đạt 106,7% kế hoạch; Vốn điều lệ tăng thêm 40% lên trên 15.500 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 26,5% đạt hơn 309 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 19% - cao hơn so với mức 14% trung bình toàn ngành, trong đó cho vay bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và chiếm tỷ trọng 87% tổng dư nợ toàn hàng.

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VIB ghi dấu ấn tích cực với mức tăng trưởng 54% so với 2020 nhờ kết quả của chuyển đổi số khi lượng khách hàng tham gia MyVIB và trả lương qua tài khoản tăng mạnh.

Năm 2021, VIB tiếp tục dẫn đầu xu thế thị trường thẻ tín dụng với các sản phẩm lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam. VIB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi hoàn thành 100% quy trình phát hành thẻ tín dụng lên nền tảng số. AI, Bigdata và ngân hàng số trở thành động lực chính của tăng trưởng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance cũng tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường với thị phần tới 12%.

Năm 2022, VIB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước. 

Trong năm nay, VIB định hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hướng tới mục tiêu tiếp tục được duy trì ở mức top đầu toàn ngành, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế hàng đầu.

Một nội dung quan trọng được thảo luận tại đại hội là năm nay VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Việc tăng vốn xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định. 

Thời gian qua, VIB tập trung rất nhiều đầu tư vào công nghệ. Theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ VIB , từ năm 2016, VIB là một trong những ngân hàng mở tài khoản online, 91% giao dịch ngân hàng bán lẻ qua VIB. “Hiện, phần số hoá của VIB có cấu phần thứ nhất là MyVIB - app tốt nhất hệ thống; Lượng bán thẻ qua web tăng 50 lần so với 2020. Ngoài ra còn có smart sales. Cấu phần thứ hai là data dữ liệu: Big data, AI, marchine learning, phát triển rất mạnh về bán bảo hiểm. Cấu phần thứ ba là công nghệ: phát triển cloud, các công nghệ, sắp tới sẽ đưa micro services vào app, ngoài ra còn có open KPI...”- ông Minh cho hay. 

VIB đã đầu tư 6-8% doanh thu thuần để đầu tư cho số hóa.