Đại hội đã bầu ra 24 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ông Bùi Hồng Minh tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trình bày báo cáo chính trị tại đại hội, ông Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem cho biết, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ Vicen nhiệm kỳ 2015 - 2020; định hướng nhiệm vụ của Đảng bộ Tổng công ty giai đoạn (2020 - 2025); kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ Tổng công ty khóa II; đóng góp ý kiến tham gia xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Vicem khóa III; bầu đoàn đại biểu Đảng bộ Tổng công ty dự Đại hội lần thứ III Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với VICEM là giai đoạn chuyển mình, thay đổi diện mạo, hình ảnh cả về quy mô, chất và lượng; đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng bộ, các cấp ủy Đảng trong VICEM. Công tác xây dựng Đảng trong VICEM đạt kết quả toàn diện, từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Đảng ủy Tổng Công ty. Công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát được đẩy mạnh.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Tổng Công ty đã tiếp nhận hai Đảng bộ về. Đảng bộ đã chỉ đạo thực hiện chương trình sắp xếp, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của VICEM, sáp nhập các đơn vị có thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2019 - 2025; triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 trong quản lý chuỗi tiêu thụ, từ đặt hàng online, hoá đơn điện tử, quản lý phương tiện... đến hàng đi trên đường; thường xuyên cân đối để chủ động xuất khẩu xi măng, clinker tại những thời điểm nhu cầu trong nước giảm nhằm phát huy năng suất thiết bị, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trong sản xuất, VICEM chủ động tái cấu trúc mô hình tổ chức, áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xử lý "nút thắt"; thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường...
Tổng Công ty luôn xác định thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ chính. Vì vậy, công tác tiêu thụ được quan tâm đặc biệt với mục tiêu nâng cao thương hiệu sản phẩm VICEM, tăng trưởng thị phần, sản lượng ở địa bàn cốt lõi, tối ưu hóa logistics, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu…
Kết quả sản xuất và tiêu thụ 143 triệu tấn sản phẩm, bằng 115% so với mục tiêu; tổng doanh thu đạt 182.100 tỷ đồng, bằng 107% so với mục tiêu; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 13.700 tỷ đồng tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; nộp ngân sách 11.450 tỷ đồng, tăng 1,96 lần so với giai đoạn trước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 16,66% tăng 1,2 lần so với giai đoạn trước; Năng suất lao động và thu nhập đầu người đều tăng…
Nhiều dây chuyền sản xuất của VICEM đang hoạt động vượt công suất 11 - 16%, giúp VICEM tăng thị phần nắm giữ lên 35% trên toàn thị trường trong nước. Tính đến đầu năm 2020, vốn chủ sở hữu của VICEM là 21.480 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2015.
Mục tiêu được Đảng bộ Tổng Công ty VICEM đặt ra trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 là tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 168,5 triệu tấn, tăng 17,8% so với nhiệm kỳ trước; doanh thu đạt 218.383 tỷ đồng, tăng 36,5%; tổng lợi nhuận trước thuế cả nhiệm kỳ phấn đấu tăng 28,3%; năng suất lao động tăng 8%/năm và bình quân tiền lương tăng 5%/năm.
Cùng với việc tối ưu hoá tăng năng lực sản xuất, VICEM sẽ cung cấp những dòng sản phẩm mới, khác biệt về chất lượng; cơ cấu và phân bổ đều thị trường tiêu thụ xi măng 3 miền trên cơ sở phát huy thế mạnh của 7 thương hiệu xi măng VICEM.
Đồng thời tiếp tục hoàn thành đề án tái cơ cấu theo tiến độ được phê duyệt, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp sau tái cơ cấu.