Vướng ở vị trí quan trọng nhấtĐến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Đại hội LĐBĐVN đã cơ bản hoàn thành. LĐBĐVN cũng đã gửi báo cáo lên FIFA về việc sẽ tổ chức Đại hội để bầu ra Ban Chấp hành cũng như ban lãnh đạo mới. Bên cạnh đó, công tác nhân sự cũng được tiến hành qua nhiều vòng. Hàng chục ứng viên đã được các tổ chức thành viên giới thiệu tham gia Ban Chấp hành cũng như các vị trí chủ chốt của LĐBĐVN. Thậm chí, nhân sự LĐBĐVN còn được đề cử, hiệp thương qua nhiều vòng với rất nhiều biến động và có tính chọn lựa cao.
|
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải tham gia ứng cử vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. |
Tổ chức kỹ lưỡng, bài bản, nhưng đến giờ, Đại hội LĐBĐVN không thể diễn ra đúng hẹn. Lý do là chưa thể xác định được ứng viên cho vị trí Chủ tịch LĐBĐVN. Ban đầu là ông Trần Quốc Tuấn, đương kim Phó Chủ tịch LĐBĐVN được đề cử cho vị trí này với số đề cử áp đảo. Tuy nhiên, rất tiếc, sau đó ông phải nhận kỷ luật Đảng với lý do vắng mặt trong một số buổi sinh hoạt định kỳ. Sau đó, ông Tuấn đã chủ động rút lui không chạy đua vào vị trí Chủ tịch LĐBĐVN và chỉ tham gia ứng cử chức danh Phó Chủ tịch. Cũng chính vì điều này mà Bộ VHTT&DL đã giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham gia ứng cử vị trí Chủ tịch LĐBĐVN.
Hiện tại, Bộ VHTT&DL đã tiến hành các thủ tục cần thiết để giới thiệu ông Lê Khánh Hải tham gia ứng cử tại Đại hội LĐBĐVN. Tuy nhiên, do ông Hải là cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý nên muốn tham gia các tổ chức xã hội cần được sự phê chuẩn của các cấp có thẩm quyền. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ của ông Lê Khánh Hải vẫn chưa hoàn tất nên Đại hội LĐBĐVN chưa thể diễn ra. Một lãnh đạo LĐBĐVN cho biết, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì sớm nhất phải đến cuối tháng 10 hoặc tháng 11 mới có thể tiến hành Đại hội. Điều đáng nói, đó lại là thời điểm diễn ra AFF Cup và Đại hội TDTT toàn quốc với rất nhiều công việc phải tiến hành.
Băn khoăn với những “gương mặt cũ”Dù chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng Đại hội LĐBĐVN nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Lý do bởi bóng đá là môn thể thao có sức ảnh hưởng lớn nên Chính phủ và người dân luôn đặt kỳ vọng vào việc LĐBĐVN sẽ tìm ra một đội ngũ lãnh đạo có đủ tâm, tầm để đưa bóng đá nước nhà phát huy thắng lợi thời gian qua để vươn ra biển lớn. Chính vì thế, nhiều người hi vọng Thứ trưởng Lê Khánh Hải sẽ được chấp thuận tham gia LĐBĐVN bởi khi ấy sẽ có được một vị Chủ tịch có vị trí trong xã hội. Thế nhưng, trong trường hợp ông Hải không được chấp thuận tham gia LĐBĐVN thì chắc chắn Bộ VHTT&DL và các bên liên quan phải tìm cho được một ứng viên thật sự xứng đáng để dẫn dắt bóng đá nước nhà.
Ngoài ra, dư luận cũng rất quan tâm đến việc tìm ra những vị trí chủ chốt có đầy đủ sức nặng ở LĐBĐVN. Hiện tại, các chức danh Phó Chủ tịch đều có nhiều ứng viên nhưng nhìn chung, đó đều là những gương mặt cũ với làng bóng đá. Ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ là cuộc đua giữa các ông: Cấn Văn Nghĩa, Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng. Trong khi Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các ông Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngọc Viễn và Dương Vũ Lâm.
Nhìn vào bản danh sách ứng viên, không khó để nhận thấy, LĐBĐVN đang là bến đậu của các quan chức bóng đá về hưu. Đầu tiên là cựu Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VI Phạm Ngọc Viễn năm nay gần 70 tuổi. Chưa hết, với việc được Tổng cục TDTT đề cử, cựu Giám đốc Khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa gần như không có đối thủ trong cuộc đua vào vị trí Phó Chủ tịch VFF. Nhưng đáng nói, khi ông Nghĩa vừa về hưu thì ngay lập tức ngành thể thao phải đau đầu giải quyết hậu quả nợ tiền thuê đất ở Khu Liên hiệp thể thao Mỹ Đình. Và người ta đang tự hỏi, tới đây, nếu ngồi ghế tìm tiền cho LĐBĐVN thì không hiểu ông Cấn Văn Nghĩa có mang đến điều gì đặc biệt?