Đại hội TDTT toàn quốc: Canh cánh nỗi lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc lần thứ 7 sắp diễn ra tại Nam Định, nhưng ngay lúc này, dư luận đã nhắc nhiều đến những nỗi lo về việc sử dụng các công trình thể thao trăm tỷ, ngàn tỷ.

Câu chuyện muôn năm cũ

Mỗi kỳ Đại hội TDTT, những địa phương đăng cai sự kiện này đều đã chi cả ngàn tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công trình phục vụ thi đấu. Năm nay, dù sự kiện diễn ra ở Nam Định, nhưng ngành thể thao có sáng kiến là san sẻ vinh dự và trách nhiệm cho một số địa phương khác. Thế mới có chuyện, các môn thể thao của Đại hội Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Ninh Bình. Do đó, ngoài khoản kinh phí lên đến 2.000 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng, tổ chức Đại hội TDTT ở Nam Định, các địa phương khách cũng phải bỏ rất nhiều tiền xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật.

Vấn đề ở chỗ, nhiều địa phương đã được thụ hưởng những công trình thể thao hiện đại sau các sự kiện thể thao nhưng việc sử dụng chúng sao cho có ích và phù hợp với chiến lược lại là một bài toán nan giải. Đà Nẵng từng chi rất nhiều tiền xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại ở kỳ Đại hội lần trước nhưng đến nay, việc khai thác và sử dụng chúng đang khiến những nhà quản lý phải đau đầu. Nói đâu xa, công trình được dư luận nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình cũng khiến ngành thể thao bối rối và mất nhiều thời gian xử lý. Số là sau SEA Games và Đại hội thể thao trong nhà, những công trình tầm vóc như sân Mỹ Đình hay Cung Thể thao dưới nước hầu như vắng khách. Vì hoài phí công năng và có kinh phí hoạt động, bảo dưỡng các công trình người ta đã đưa ra sáng kiến cho thuê làm sân tập golf, quần vợt, trường học và thậm chí là bán bia.

Cần một định hướng rõ ràng

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin các địa phương đăng cai, hoặc tổ chức những môn thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc đã chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cho các công trình thể thao, giới truyền thông đã đặt nhiều câu hỏi về chuyện "hậu Đại hội". Nói như ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTT&DL Nam Định thì ngoài việc tổ chức các sự kiện thể thao, tỉnh Nam Định còn hướng đến việc tổ chức các hoạt động giải trí, dân sinh nhằm có nguồn thu.Thực ra, trong bối cảnh hiện tại, không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách trong việc bảo dưỡng, duy tu các công trình thể thao. Việc xã hội hóa, mở rộng các hình thức khai thác, tổ chức sự kiện là điều hợp lý, nhằm tạo ra nguồn thu cho ngành thể thao. Thế nhưng, hiện ngành thể thao và bản thân các đơn vị trực thuộc vẫn đang tự tìm con đường đi cho mình. Thế mới có chuyện, mỗi địa phương, mỗi đơn vị xã hội hóa, khai thác kinh doanh một kiểu và đôi khi, sự táo bạo của các nhà quản lý cấp cơ sở lại mang đến cái nhìn không thiện cảm về các công trình thể thao.

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt vấn đề là nếu không có những "giới hạn" cho việc xã hội hóa trong khai thác các công trình thể thao thì nhiệm vụ chính là phát triển thể thao sẽ không đảm bảo. Thực tế là đã từng nảy sinh tình trạng, chất lượng mặt sân không đảm bảo vì đơn vị quản lý cho quá nhiều đơn vị thuê tổ chức sự kiện. Ngay cả việc tập luyện của các môn thể thao ở công trình thi đấu cũng bị hạn chế vì vướng lịch cho đối tác thuê.

 
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 năm 2014 được tổ chức 36 môn với 747 nội dung có sự tham dự của gần 11.000 VĐV, HLV, cán bộ. Trong đó có 7.424 VĐV, 1.797 trọng tài, 1.674 cán bộ của 63 tỉnh, thành và hai ngành công an, quân đội.