Đại hội XIII của Đảng tiếp tục phiên thảo luận các dự thảo Văn kiện Đại hội

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, ngày 28/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận các Văn kiện Đại hội XIII. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận.

Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tham luận với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính nhà nước, góp phần đổi mới, sáng tạo phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận. Ảnh:TTXVN
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định, cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. 
 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham luận tại Đại hội XIII của Đảng

Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa; đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, thông qua đó, nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam so sánh với các quốc gia trên thế giới....
 Quanh cảnh phiên thảo luận tại Đại hội XIII của Đảng, sáng 28/1 
Trước đó, ngày 27/1, trong phiên làm việc chính thức thứ hai, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Trong ngày làm việc, đã có 23 đại biểu đại diện các đảng bộ, đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, địa phương tham luận đóng góp tâm huyết, trách nhiệm vào các dự thảo Văn kiện như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội, Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành.

Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần