Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại lễ Phật đản năm 2022 là ngày nào?

Như Hương (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày lễ Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật, cùng với lễ Vu Lan và lễ Thành đạo.

Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Ngày Phật đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo).

Ngày Rằm tháng 4 hằng năm, quý tăng ni Phật tử hướng về những ngôi chùa cúng Phật, tổ chức những hoạt động nhằm mừng ngày Phật đản sanh.

Nguồn gốc lễ Phật đản

Tương truyền rằng, đức Phật Thích Ca tên là Tất Đạt Đa, người là vị thái tử, con của vua Tịnh Phạm và hoàng hậu Mada ở nước Ca-tỳ-la-vệ bên Ấn Độ là vị giáo chủ của Phật Giáo.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Vào ngày Rằm tháng 4 Âm lịch, năm 624 trước Công nguyên, một vị Thái tử chào đời tại Vườn Lâm Tỳ Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn gọi là Vaisakha (nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal).

Một ngày nọ hoàng hậu Mada mơ một giấc mơ rất kỳ lạ. Bà mơ thấy trên trời tỏa ra một ánh hào quang sáng rực rỡ, một con voi 6 ngà xuất hiện, chầm chậm bay đến tiến nhập vào cơ thể của bà. Hoàng hậu giật mình thức giấc, trong người cảm thấy có gì đó kỳ lạ, cảm giác ngập tràn hạnh phúc.

Hoàng hậu kể cho đức vua nghe về giấc mơ, nhà vua Tịnh Phạm cho mời các nhà thông thái vào cung nghị sự, các nhà tiên tri vui mừng báo có việc lành, hoàng hậu sẽ sinh một vị hoàng tử, ngài là vị vĩ nhân tương lai.

Khi hoàng hậu đến ngày sắp sinh nở, người cùng đoàn tùy tùng rời cung điện về quê hương, khi đi qua khu rừng Lâm tỳ ni, người chuyển dạ, kỳ lạ thay - các cây hoa lá đua nở, cây cổ thụ rủ cành che chở cho bà.

Hoàng hậu hạ sinh một thái tử khôi ngô, hành động đặc biệt “một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất” - “duy ngã độc tôn”.

Người đi 7 bước, mỗi bước dường như có những đóa hoa sen nâng gót, tỏa ánh hào quang lung linh. Sau đó, cả đoàn tùy tùng quay lại hoàng cung, những bữa tiệc lớn được tổ chức mời các nhà thông thái, vua chúa lân cận đến thăm.

Theo một số sách có viết rằng: Vị ẩn sĩ đã tiên tri rằng đất nước sẽ có một vị vua trẻ vĩ đại hoặc một nhà hiền triết lừng danh thế giới loài người. Khi thái tử lớn lên, ngài sẽ thấy những đau khổ của nhân loại và rời cung điện đi tìm con đường chấm dứt khổ đau cho chúng sinh.

Và đúng như vậy, sau những năm tu hạnh khổ nguyện, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ, tìm ra được con đường giải thoát, ngài đi khắp bốn phương để giáo hóa cứu độ chúng sinh.

Lễ Phật đản tiếng Anh là Buddha’s Birthday. Vì là tôn giáo thế giới nên Phật giáo thịnh hành ở nhiều quốc gia, trường phái Bắc Tông và Nam Tông có ngày lễ Phật đản khác nhau. 

Lễ Phật đản ngày nào? Lễ Phật đản được giáo phái Bắc Tông tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch, còn giáo phái Nam Tông tổ chức vào trăng tròn tháng 4 Âm lịch. Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch.

Sau đại hội Phật giáo thế giới đầu tiên năm 1950, 26 nước thành viên lấy ngày Rằm tháng 4 là ngày Phật đản. Năm 1999, Liên Hợp quốc cũng công nhận lễ Phật đản là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Ngày lễ Phật đản năm 2022 là ngày 15/5 Dương lịch tức là ngày Rằm tháng 4 năm Nhâm Dần.

Ngày lễ Phật đản ở Việt Nam

Lễ Phật đản được công nhận là một ngày nghỉ lễ chính thức tại miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1958 do chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa của chính thể Việt Nam Cộng hòa thông qua, vào ngày này thường có diễn hành xe hoa trên đường phố. Khi Việt Nam thống nhất sau khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1975, thì ngày này không còn là ngày lễ quốc gia.

Ngày lễ này ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễn hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak đã được tổ chức tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, 2019.

Nghi lễ tắm Phật - một hoạt động trong lễ Phật đản.
Nghi lễ tắm Phật - một hoạt động trong lễ Phật đản.

Những năm gần đây, ngày Phật đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền của Việt Nam. Ngày này cũng nhận nhiều sự quan tâm của chính quyền.

Vào ngày đại lễ Phật đản 2022, giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức Phật lịch 2566 lúc 4 giờ sáng ngày Rằm tháng 4 Âm lịch. Vào lúc này, các tu viện trên toàn TP đồng loạt cử 3 hồi chuông Bát nhã rước lễ Đức Phật đản sanh.

Đại lễ Phật đản năm nay 2022 dự kiến được tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, cũng là địa điểm tổ chức Lễ Phật đản 2021, nhưng quy mô năm 2021 chỉ tổ chức nội bộ, thông điệp hướng đến sự chung tay sát cánh cùng nhau vượt qua đại dịch, ổn định đời sống, phát triển đất nước.

Lễ Phật đản sanh được tổ chức từ ngày mùng 8 đến 15 tháng 4 Âm lịch. 5 giờ 30 phút sáng chư tăng ni và phật tử có mặt tại lễ đài chính của Việt Nam Quốc Tự tham dự, lễ tắm Phật được chính thức bắt đầu vào 6 giờ sáng.

Và đặc biệt suốt tuần lễ Phật đản Phật lịch 2566, hướng đến ngày Đản sanh của đức Thích ca Mâu ni và chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (1982 - 2022), sẽ có nhiều chương trình thuyết giảng phật pháp trực tiếp, gián tiếp được tổ chức.

 

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thay mặt Hội đồng Chứng minh công bố Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566-Dương lịch 2022.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cắt nghĩa, mùa Phật đản là dịp để người con Phật khắp năm châu hân hoan chào đón ngày đức Đạo sư mang ánh sáng trí tuệ bao la và suối nguồn yêu thương bất tận đến cho nhân loại. Đây là dịp cho tất cả chúng ta ôn lại lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, là cơ hội để Phật tử chiêm nghiệm, sống theo lời dạy vàng ngọc của Ngài, đi theo con đường giác ngộ của Ngài để đưa nhân loại đến hòa bình, an lạc và hạnh phúc.

Đức Phật dạy: Mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên sinh. Theo đó, con người có trách nhiệm trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình để bảo vệ sự tươi đẹp của hành tinh, và có vai trò quyết định sự phồn vinh, thịnh vượng, tương lai của vũ trụ mà chúng ta đang sống.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn lại dạy: Người nào không thành tựu Thánh giới, Thánh tuệ, Thánh định và Thánh giải thoát thì người đó tự rời khỏi pháp và luật của đức Như lai. Tu tập Giới - Định - Tuệ là thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với chính mình, với tha nhân, với nhân sinh và với xã hội. Theo lời dạy của đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại.

“Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn” - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nêu.

Mùa Phật đản năm nay trở về trong không khí hân hoan sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau. Giáo hội đề nghị người con Phật càng phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc. Mỗi Tăng Ni cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.