Đãi ngộ nghệ nhân để bảo tồn di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 70 tuổi, nhưng tiếng đàn, tiếng phách, điệu múa, lời ca vẫn thoăn thoắt và vang xa. Đó là hình ảnh dễ bắt gặp ở các câu lạc bộ (CLB) di sản tại các quận, huyện Thủ đô.

Nơi đó, các nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đang hằng ngày hằng đêm thắp lửa truyền dạy nghệ thuật truyền thống.

Nơi sưởi ấm trái tim...

Chị Phạm Thị Cẩm Thanh (làng Mọc, Thanh Xuân, Hà Nội) không bao giờ quên những ngày tháng kinh hoàng sau vụ tai nạn thảm khốc năm 2005 khiến chồng chị tử vong, chị và con gái 3 tuổi bị thương nặng phải điều trị ròng rã hàng tháng trời trong bệnh viện. Ấy là điểm đánh dấu cuộc đời chị rẽ sang một trang khác, một khúc gấp đầy bi đát. Nhìn lại gia cảnh: Mẹ chồng già ốm liên miên, em chồng nghiện hút, trụ cột gia đình đã ra đi, hai con nhỏ và gần trăm triệu đồng vay mượn để xây cất ngôi nhà chưa kịp sơn… một tay chị gánh vác. Đau đớn, hụt hẫng, phải mất một năm, nhờ sự vận động của Hội Phụ nữ, chị mới vực dậy được. Tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, các chị em trong tổ phụ nữ sang động viên, giúp chị việc gia đình và động viên chị tham gia học hát dân ca, hát chèo, hát xẩm cùng chị em trong làng.
Các nghệ sĩ biểu diễn hát chầu văn trong Lễ vinh danh nghệ sĩ ưu tú vào tháng 11/2015. Ảnh: Thanh Hải
Các nghệ sĩ biểu diễn hát chầu văn trong Lễ vinh danh nghệ sĩ ưu tú vào tháng 11/2015. Ảnh: Thanh Hải
Cùng sinh sống trong khu phố với chị Thanh, bà Nguyễn Thị Hiển năm nay đã gần 70 tuổi mang nỗi đau rơi nước mắt khác. Bà có 2 đứa con trai nhiễm HIV do tiêm chích ma túy đã chết, một mình bà quán xuyến cả gia đình. Trong tiết mục biểu diễn “Những tấm lòng nhân ái” đạt giải Nhất trong Cuộc thi tiểu phẩm Người cao tuổi và HIV/AIDS, bà hóa thân vào vai một bà lão có con trai đã chết do nghiện hút và nhiễm HIV, ngày ngày bán cháo dạo để nuôi cháu khiến cả khán phòng rơi lệ.

Cái nôi để những trái tim tưởng như sẽ khô héo sau những biến cố cuộc đời được sưởi ấm trở lại mang tên CLB Dân ca và hát chèo làng Mọc Quan Nhân. CLB được bà Phan Thị Kim Dung đứng ra thành lập. Bà Dung chia sẻ: “Tôi tiếp cận với hát chèo, dân ca từ nhỏ, đồng thời với học chữ cái vỡ lòng, tôi được ông ngoại và bố dạy gảy đàn, đánh nhị. Đến những năm 60 của thế kỷ trước, tiếng hát xẩm leng keng trên các con phố tàu điện lại mê mị mình. Mỗi chiều, tôi xin phép bố mẹ lên phố vừa nghe vừa học hát xẩm. Các loại hình di sản bổ sung, hòa quyện gắn kết trong tâm hồn mình”. Khi có gia đình, bà Dung chuyển tới sinh sống tại làng Mọc và trăn trở thành lập CLB truyền dạy các loại hình di sản cho dân làng.

7 năm truyền dạy và 200.000 đồng bồi dưỡng

Năm 2009, CLB Dân ca và hát chèo làng Mọc Quan Nhân ra đời, 12 thành viên đầu tiên trong CLB là chị em từ 40 - 65 tuổi. Bà Dung nhớ lại nỗi khó khăn vận động các thành viên tham gia: “Người dân ở đây vốn chất phác. Bao nhiêu năm qua, tay họ chỉ quen cầm liềm cắt lúa, nay những bàn tay ấy lại xòe quạt, gảy đàn biểu diễn là điều không dễ”. Thời gian đầu duy trì CLB rất khó khăn, vì nhiều người dân còn e ngại. Thế nhưng, khi lời ca tiếng hát giúp sưởi ấm những trái tim như chị Thanh, bà Hiển… thì mọi người đều nồng nhiệt tự nguyện tham gia, duy trì học tập luyện vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần.

Loại hình nghệ thuật được Chủ nhiệm CLB Phan Thị Kim Dung truyền dạy nhiều nhất chính là hát xẩm, hát chèo và dân ca. Cho đến nay, hầu hết các thành viên CLB đã hát được các làn điệu xẩm tàu điện, xẩm huê tình. Theo bà Dung, khán giả cũng như các thành viên CLB thích học nhiều loại nhạc mới, nhưng ở CLB Dân ca và hát chèo nghệ thuật truyền thống phải là sân chơi chính. Vì Chủ nhiệm CLB quan niệm, lời ca của ông cha để lại hàm chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật, đó là chưa kể thế hệ này truyền thế hệ sau sẽ góp phần giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.

Năm 2015, bà Dung là một trong những nghệ nhân được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đợt đầu. Được phong tặng danh hiệu NSƯT khi bước vào cái tuổi gần 70 nhưng niềm hứng khởi, sự đam mê với nghệ thuật vẫn giúp bà “trên từng cây số” với các lớp truyền dạy. Không chỉ dạy hát cho CLB Dân ca và hát chèo làng Mọc, bà Dung còn giúp các CLB của các khu đô thị Xa La (Hà Đông), Hội Phụ nữ quận Thanh Xuân… học và trình diễn bài hát xẩm, hát chèo. Hàng tuần, tại tầng 1 căn hộ rộng chưa đầy 70m2 vẫn trải chiếu chèo cho các cháu bé trong khu dân cư học hát chèo. Bà Dung rất tâm huyết với hơn 20 thành viên CLB ở tuổi thiếu nhi. Trong ý nghĩ của người chủ nhiệm CLB, đây là thế hệ kế cận các bà, các chị khi cánh tay họ mỏi, bước chân bị chùn. Hăng say truyền dạy như vậy, NSƯT Phan Thị Kim Dung chưa bao giờ đòi hỏi chế độ đãi ngộ. Ngoài phần thưởng từ tấm bằng NNƯT, số "thù lao" cao nhất mà bà nhận được từ các lần truyền dạy là 200.000 đồng bồi dưỡng đợt Tết Nguyên đán Bính thân vừa qua.

Để di sản nuôi sống nghệ nhân

Không chỉ riêng bà Dung, tâm trạng chung của các nghệ nhân được phong tặng cuối năm 2015 là niềm vui khi cả đời cống hiến và được Nhà nước công nhận. Chính vì vậy, chưa đầy nửa năm sau buổi lễ đón bằng danh hiệu, các nghệ nhân lan tỏa truyền dạy tại rất nhiều CLB trên địa bàn Thủ đô. Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết (Hoàn Kiếm) đang đau đáu với kế hoạch mở lớp truyền dạy nghệ thuật nấu ăn cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu phố cổ. NNƯT Chu Chí Cang - CLB Ca trù An Khánh (Hoài Đức), Phạm Thị Huệ - CLB Ca trù Thăng Long thì tất bật với các lớp truyền dạy, các chương trình biểu diễn ca trù…

Trong số các nghệ nhân được phong tặng đợt đầu, nhiều người còn sức khỏe và khả năng truyền dạy. Nhưng cũng có rất nhiều bậc cao niên, có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, để quan tâm hơn nữa đến đời sống nghệ nhân, góp phần bảo tồn di sản, ngoài phần thưởng hơn 10 triệu đồng được hưởng từ danh hiệu NNƯT, theo Nghị định 109/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính đề xuất phương án hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân trên 55 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, để di sản có sức sống lâu bền trong cộng đồng, Sở VH&TT Hà Nội đang đề xuất với UBND TP các biện pháp bảo tồn, phát huy di sản để di sản trở thành tài sản nuôi sống nghệ nhân.

“Hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như TP Hà Nội đang làm vừa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, vừa theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể, vừa góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho nghệ nhân nỗ lực cống hiến” - TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhận định. Chung quan điểm, NNƯT Lê Thị Hân, trú tại xã Đại Thịnh (Mê Linh) cho rằng, ca trù cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác hoàn toàn có khả năng biến thành tài sản và tài sản ấy sẽ là nguồn lực để nuôi sống nghệ nhân, nuôi dưỡng nghệ thuật nếu có sự đầu tư đúng hướng.

Trong kế hoạch xây dựng văn hóa, con người Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội dành nhiều quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến chế độ đãi ngộ nghệ nhân. Kinh nghiệm bảo tồn di sản của một số địa phương khác sẽ là những bài học để Hà Nội học hỏi và áp dụng trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần