Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman: Ấn tượng trước nỗ lực chống dịch của Hà Nội

Ngọc Lâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman bày tỏ sự ấn tượng trước nỗ lực của Hà Nội trong việc duy trì tính bền vững và bao trùm trong các chương trình hành động nhằm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19.

  Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman 
Năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 4 - 4,5% trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bà đánh giá thế nào về nỗ lực của TP trong việc đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

- Tôi rất ấn tượng trước việc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có nỗ lực cân bằng hai mục tiêu: Vừa chống dịch Covid-19 và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng việc duy trì cân bằng hai mục tiêu này là không hề dễ dàng, bởi Covid-19 đang mang đến những thách thức mới đối với không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những thách thức này cũng xuất hiện ngày một rõ rệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, vốn có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội lồng ghép cả 2 mục tiêu là hợp lý và bền vững nhất.

Trong khi Hà Nội đang đặt mục tiêu hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững từ đại dịch, các bạn cũng đã làm tốt công tác hỗ trợ những người yếu thế nhất trong xã hội vượt qua tác động của dịch. Điều này thể hiện các bạn rất quan tâm đến tính bền vững và bao trùm được nhấn mạnh trong các chương trình hành động của Hà Nội.

Bà đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh, đầu tư của Hà Nội trong những năm gần đây? Đâu là những thách thức mà TP cần khắc phục để tăng cường thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là các dự án FDI chất lượng cao từ châu Âu?

- Rõ ràng là Hà Nội đang nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Hiện nay, các biện pháp được đặt ra như cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, giảm thủ tục hành chính và đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng, cần được duy trì trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, vẫn còn những thách thức liên quan đến tác động về môi trường và xã hội từ quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, ví dụ như sự gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí hay rác thải, ùn tắc giao thông, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Tôi nghĩ việc giải quyết những vấn đề này sẽ không chỉ giúp Hà Nội tiếp tục thu hút thêm nhiều DN và nguồn lực đầu tư, mà còn tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho người dân Hà Nội, góp phần tạo ra những cộng đồng gắn kết và thúc đẩy phát triển xã hội một cách bền vững.Theo đó, TP cần có thêm nhiều ưu đãi để thu hút những dự án đầu tư mang tính bền vững và chất lượng cao, bởi điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Ví dụ như Hà Nội có thể đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ điện rác, logistics xanh, nông nghiệp đô thị…
Du khách quốc tế trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Bên cạnh các yếu tố về kinh tế và tài chính, các dự án đầu tư chất lượng cao cũng đòi hỏi tư duy có trách nhiệm từ những bên liên quan vì xã hội và môi trường. Trong lĩnh vực này, Hà Lan cam kết là đối tác tin cậy trong thương mại và đầu tư bền vững. Đại sứ quán Hà Lan luôn khuyến khích các nhà đầu tư và DN Hà Lan ứng dụng Đạo đức kinh doanh có trách nhiệm (RBC) trong các hoạt động tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với Hà Nội nhằm đưa RBC trở nên phổ biến hơn.

Bà nhìn nhận thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế trong tương lai giữa Việt Nam và châu Âu, mà đặc biệt là Hà Nội với châu Âu, nhất là khi EVFTA đã có hiệu lực?

- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một hiệp định tham vọng và hiện đại, nếu được triển khai một cách hiệu quả, sẽ thúc đẩy thương mại bền vững giữa Việt Nam và EU, cũng như trở thành một công cụ hiệu quả nhằm cải thiện tiêu chuẩn lao động và môi trường.

Do đó, Hà Lan kỳ vọng vào việc tăng cường hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực như nông nghiệp, quản lý nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, hậu cần (logistics), thành phố thông minh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.

Hiện vẫn còn nhiều việc Việt Nam cần phải làm để có thể tận dụng lợi thế từ EVFTA. Một ví dụ điển hình là trong khi EVFTA mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, các quy định của EU về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm đang là thách thức không nhỏ đối với các DN Việt. Trước thực tế này, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào việc phát triển các chuỗi giá trị bền vững nhằm đảm bảo các sản phẩm an toàn và chất lượng cao và Hà Lan sẵn sàng là đối tác tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bên cạnh việc Hà Lan là đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt của Việt Nam trong EU, các DN Hà Lan đang có sự quan tâm lớn đối với thị trường Việt Nam, điều này được phản ánh qua chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan Rutte cùng một phái đoàn DN đông đảo đến Việt Nam vào tháng 4/2019.

Rất tiếc trong năm nay, một chuyến thăm tương tự khó có thể diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, do đó, cùng với các Đại sứ quán Hà Lan khác tại Đông Nam Á, chúng tôi đang tổ chức một phái đoàn thương mại sẽ làm việc trực tuyến với Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 10 - 12/2020. Chúng tôi cũng chú trọng thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các TP và kỳ vọng sẽ được làm việc cụ thể hơn với Hà Nội trong khuôn khổ chương trình của phái đoàn thương mại này.

Xin cảm ơn bà!