Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại sứ Högberg dẫn ca dao để tả 5 thập kỷ quan hệ Việt Nam - Thụy Điển

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trong hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển đã luôn là người bạn và là đối tác của Việt Nam, ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất”.

Để mô tả quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển trong 50 năm qua, tại Lễ kỷ niệm ngày 11/1, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg đã dẫn ca dao:

“Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”

Câu ca dao đó đã khái quát được tình hữu nghị, thân ái và bền chặt giữa hai nước trong thời gian qua dù không tránh khỏi có những bất đồng, bởi Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969) ở đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh tại Việt Nam và cũng là nước giúp đỡ Việt Nam chí nghĩa chí tình sau khi hòa bình được lập lại.

 Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg. Ảnh: Minh Tuấn
“Lúc khó khăn mới biết ai là người bạn thực sự”
 
Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm tại khách sạn Metropole ở Hà Nội, nơi văn phòng đầu tiên của Đại sứ quán Thụy Điển đã được khai trương, Đại sứ Pereric Högberg đã điểm lại những dấu mốc chính của quan hệ hai nước trong suốt 5 thập kỷ qua.
 
Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam sục sôi, tại châu Âu xa xôi, Chính phủ Thụy Điển và nhân dân Thụy Điển đã bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
 
Olof Palme, người sau này trở thành Thủ tướng của Thụy Điển, đã tin rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã sai mặt đạo đức. Ông là chính trị gia phương Tây đầu tiên đã lên tiếng rất rõ ràng và mạnh mẽ như vậy. Thậm chí đến ngày hôm nay, di sản của Olof Palme vẫn hiện diện tại Việt Nam. Không chỉ Chính phủ Thụy Điển có phản ứng về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà cả công chúng tại Thụy Điển cũng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Hơn 2,7 triệu người dân Thụy Điển, một phần ba dân số Thụy Điển tại thời điểm đó, đã ký đơn lên án cuộc chiến tranh và kêu gọi chấm dứt ngay các vụ ném bom.
 
“Trong hơn nửa thế kỷ qua, Thụy Điển đã luôn là người bạn và là đối tác của Việt Nam, ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất”. Điều đó cho thấy “lúc khó khăn mới biết ai là người bạn thực sự” như thành ngữ nói, vị đại sứ nhấn mạnh.
 
Vị đại sứ cũng cho biết, quyết định cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam khi đó là một quyết định gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Thụy Điển, thông qua cơ quan viện trợ SIDA, đã bắt đầu một chương trình hợp tác phát triển lớn. Hỗ trợ phát triển chính thức kéo dài trong 46 năm và lên tới hơn 4 tỷ USD theo giá trị tiền tệ của ngày hôm nay. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong thập niên 70, lớn nhất trong thập niên 80 và lớn thứ tư trong thập niên 90, đã thể hiện khía cạnh về sự giúp đỡ của Thụy Điển.
 
Hợp tác song phương hai nước đã tập trung vào y tế như dự án Bệnh viện Uông Bí và Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, nhà máy giấy Bãi Bằng và các dự án trồng rừng, cải cách hành chính về luật và thuế. Thụy Điển cũng đã hỗ trợ quá trình đổi mới, xóa đói giảm nghèo, cung cấp thiết bị và đào tạo các nhà báo và hợp tác văn hóa.
 
Dù hợp tác phát triển song phương đã kết thúc vào năm 2013 nhưng Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ vùng của Thụy Điển cho khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong, và thông qua ngân sách viện trợ trong khuôn khổ EU và Liên Hợp Quốc dành cho Việt Nam.
 
Ngoài ra, Thụy Điển tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam khi là nhà tài trợ song phương đầu tiên trong các lĩnh vực như quản trị địa phương, cải cách tư pháp, báo chí truyền thông, minh bạch, chống tham nhũng, bình đẳng giới, quyền LGBT và phát triển bền vững.
 
Vị đại sứ cũng thẳng thắn cho rằng, cũng giống như trong bất kỳ một mối quan hệ bạn bè tốt nào, đôi khi chúng ta khác nhau về quan điểm, “nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn là bạn bè với nhau. Đây chính là điểm mạnh của mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển. Một người bạn thật sự cũng là một người bạn thẳng thắn!”
 
Đó cũng chính là lý do vì sao vị đại sứ, người đã nhận nhiệm vụ tại Việt Nam được hơn 2 năm, lại dùng câu ca dao nói trên để mô tả mối quan hệ song phương.
 
Hướng tới tương lai
 
Hiện nay, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và công cuộc cải cách thành công, Việt Nam đã là một quốc gia có thu nhập trung bình. Vì thế, hai nước đã tiến tới một mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn. Mối quan hệ song phương đã chuyển dịch và tập trung trước hết vào kinh doanh và thương mại, các lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai quốc gia trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.
 
Theo đó, hai nước có mối quan hệ ngày càng phát triển trong các lĩnh vực thương mại đầu tư, nghiên cứu trao đổi, hợp tác giáo dục và văn hóa và du lịch. Thương mại hai chiều giữa hai nước hiện vượt 1 tỷ USD mỗi năm với tiềm năng còn tăng mạnh trong thời gian tới.
 
Cho tới thời điểm này, một số các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất và thành công nhất của Thụy Điển như ABB, Ericsson, H&M, IKEA, Volvo, AstraZeneca, Atlas Copco, SKF, Tetra Pak, Electrolux và nhiều công ty khác đã và đang kinh doanh tại Việt Nam. Các công ty đó không chỉ cung cấp hàng hóa, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo tại Việt Nam, mà còn tạo ra hàng trăm ngàn việc làm tại Việt Nam.
 
Đại sứ Pereric Högberg tin tưởng rằng, với việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Thụy Điển sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam.
 
“Mặc dù mối quan hệ giữa Thụy Điển và Việt Nam đã có những thay đổi trong vài năm qua nhưng Thụy Điển vẫn tiếp tục cam kết đồng hành trên con đường hướng tới tương lai phía trước của Việt Nam”, Đại sứ nói.
 
Trong năm 2019, dự kiến sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao, giao lưu văn hóa giữa hai nước, sẽ diễn ra Diễn đàn Internet và Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển sẽ được tổ chức vào tháng 5.