Đại tiệc không phải ai cũng thích!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người ta bảo, World Cup là thiên đường với các độ bóng và giới mộ điệu. Ai cũng muốn được đắm chìm trong bầu không khí của bữa đại tiệc kéo dài hơn một tháng. Ấy vậy mà, tại Brazil những ngày này, vẫn có những cuộc biểu tình phản đối World Cup.

Mùa vàng sắp đến

Brazil là quốc gia rộng thứ 5 thế giới. Xét về quy mô của nền kinh tế, Brazil đứng thứ 6. Những thông số ấy khiến người ta nghĩ rằng, tổ chức một kỳ World Cup không phải là vấn đề quá lớn với đất nước này. Thậm chí, những ngày hội bóng đá bất tận với sự hiện diện của hàng trăm ngàn du khách nước ngoài sẽ mang đến động lực phát triển cho nền kinh tế năng động này. Nhiều chuyên gia cho rằng, cái được dễ nhìn thấy nhất cho đến thời điểm này là sự ăn nên làm ra của các tập đoàn xây dựng. Với việc nhận được gói thầu xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho các sân vận động, công trình giao thông, sân bay, khách sạn, họ đã bỏ túi khoản lợi nhuận kếch xù trong nhiều năm qua. 

 
Người dân Brazil biểu tình phản đối World Cup 2014.   Ảnh: AFP
Người dân Brazil biểu tình phản đối World Cup 2014. Ảnh: AFP

Chắc chắn, khi diễn ra World Cup, ngành du lịch Brazil sẽ trúng đậm. Những ngày này, các phòng khách sạn tại những TP có World Cup đã được đăng ký hết với mức giá đắt hơn vài lần so với ngày thường. Các công ty du lịch phải huy động tối đa nhân lực nhưng chắc chắn cũng sẽ không đủ để phục vụ giới CĐV bóng đá đang chuẩn bị đổ bộ đến Brazil. Rồi, biết bao dịch vụ ăn theo khác cũng được kỳ vọng bội thu trong mùa World Cup.

Chưa hết, người ta còn kỳ vọng, quá trình chuẩn bị và diễn ra World Cup sẽ mang đến động lực cho nền kinh tế khổng lồ của Brazil tái cơ cấu và chuyển dịch theo hướng tích cực. Đó là chưa kể đến việc, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho World Cup sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của Brazil.

Cái giá phải trả quá đắt

Năm 2007, cựu Tổng thống Lula da Silva đã đến Zurich để vận động cho Brazil đăng cai World Cup. Thông điệp mà ông đưa ra đã thuyết phục được số đông các liên đoàn bóng đá. Đó là các tập đoàn kinh tế tư nhân cam kết sẽ bỏ ra 99% kinh phí tổ chức. Điều đó có nghĩa, ngân sách sẽ không bị thâm thủng vì World Cup và người nghèo không bị bỏ rơi như ở nhiều quốc gia từng đăng cai khác.Thế nhưng, đến lúc này, người ta nhận ra rằng, mọi việc không như mơ. Đầu tiên là việc, số tiền đầu tư cho World Cup tăng từ 7 tỷ Euro lên trên 10 tỷ Euro. Nhưng, nghiệt ngã ở chỗ, 99% kinh phí xây dựng các công trình World Cup lại được lấy từ ngân sách  thay vì các tập đoàn tư nhân. Đây thực sự là một cú sốc với người dân Brazil bởi điều đó có nghĩa, sự đầu tư cho các chính sách y tế, giáo dục cũng như các vấn đề xã hội khác sẽ bị ảnh hưởng. Và người ta sợ rằng, World Cup sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế - xã hội vốn rất dễ bị tổn thương ở Brazil. Bằng chứng là trong một năm trở lại đây, tăng trưởng của nền kinh tế nước này chỉ đạt 0,9%, kém hơn rất nhiều những nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Và người ta đang lo ngại rằng, sau World Cup này, Brazil sẽ biến thành một Hy Lạp, một Ukraine vốn kiệt quệ sau khi tiêu quá nhiều cho các sự kiện thể thao.