Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2017), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã có bài viết chủ đề: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - người con ưu tú của Thủ đô với phong trào cách mạng của Đảng bộ Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945” nhằm tưởng nhớ, tri ân về những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội và của Đảng bộ Thủ đô Hà Nội. Báo Kinh tế&Đô thị trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.

 Đại tướng Văn Tiến Dũng (ngồi giữa) trong một buổi họp bàn phương án đánh  máy bay B-52 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh tư liệu.

Tấm gương sáng về ý chí và nghị lực

Đồng chí Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) thành phố Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình công nhân nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ (mẹ lâm bệnh nặng, mất sớm; cha phải đi làm gác cổng ở nhà thương Phủ Doãn, bị đau yếu và mất năm đồng chí mới 14 tuổi). Ngay từ nhỏ đồng chí đã được chứng kiến tận mắt những cảnh khổ đau, cơ cực của người dân mất nước và sớm được giác ngộ cách mạng. Vì thế, từ năm 1936, mới 19 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, làm công nhân cho các xưởng dệt ở phố Hàng Đào và phố Hàng Bông, tham gia tích cực vào phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân thành phố Hà Nội. Tháng 12-1936, với vai trò là nòng cốt, đồng chí đã lãnh đạo, tổ chức công nhân ở các xưởng dệt Thanh Văn (phố Hàng Đào), xưởng dệt Đức Xương Long và xưởng dệt Cự Chung (phố Hàng Bông) bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân.

Với sự nhiệt huyết, hăng say của tuổi trẻ, được lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, được các bậc tiền bối của cách mạng của Đảng và của Thủ đô Hà Nội dìu dắt, đồng chí Văn Tiến Dũng đã hăng hái hoạt động trong phong trào công nhân, không sợ hy sinh, gian khổ, say mê tự học tập, rèn luyện, phấn đấu và ngày càng trưởng thành. Do có những cố gắng vượt bậc và những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của công nhân Thủ đô, chỉ hơn một năm sau ngày tham gia cách mạng, tháng 11 năm 1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa đông năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ thợ dệt thành phố Hà Nội, với vai trò vừa là người đứng đầu tổ chức chi bộ đảng, vừa là hạt nhân lãnh đạo nòng cốt của phong trào công nhân ngành dệt của Hà Nội thời kỳ 1936 - 1939. Năm 1939, ở tuổi 22, đồng chí được Trung ương quyết định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội và được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội.

Điểm qua vài nét cơ bản về quê hương, gia đình và chặng đường 3 năm mở đầu thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi (1936 - 1939) của đồng chí Văn Tiến Dũng, chúng ta có thể khẳng định: Được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê ngoại thành Hà Nội, có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, với hoàn cảnh gia đình đặc biệt: nhà nghèo, đông anh em, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng ngay từ những năm tuổi còn rất trẻ, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có một ý chí và nghị lực đáng khâm phục. Vượt lên hoàn cảnh, số phận, cần cù lao động, tự rèn luyện, học hỏi để kiếm sống và sớm giác ngộ cách mạng; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xác định rõ lý tưởng cộng sản và hăng hái, nhiệt huyết tham gia cách mạng và sau đó trở thành nòng cốt lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ của công nhân Thủ đô trong những năm 1936 - 1939.

 

Bước sang năm 1938, phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ và cả nước, đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân ở Thủ đô có bước phát triển mạnh, đòi hỏi Thành ủy Hà Nội phải củng cố, kiện toàn, để có một tổ chức thực sự vững mạnh và bổ sung những đồng chí ưu tú, xuất sắc, hoạt động trực tiếp từ phong trào công nhân trên địa bàn. Cơ quan lãnh đạo Thành ủy được kiện toàn, đồng chí Trần Quý Kiên là Bí thư Thành ủy; bổ sung thêm hai đảng viên là các đồng chí đang hoạt động từ phong trào công nhân là đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Văn Tiến Dũng vào Thành ủy.

Sau khi được tham gia Thành ủy, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội, trực tiếp tổ chức, lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân lao động Thủ đô. Đồng chí đã tuyên truyền, vận động được nhiều thợ thủ công ở xã Cổ Nhuế, địa bàn các xã lân cận và một số xưởng thợ ở khu vực nội đô gia nhập Hội Ái hữu thợ dệt của Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, các cuộc đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển, với nội dung rất thiết thực, như: đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đuổi thợ, thành lập hội các hội Ái hữu, bóng đá, hiếu hỷ,…, thông qua hoạt động của các Hội để giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng và cho phong trào cách mạng của Thủ đô.

Từ đầu năm 1939, phong trào công nhân ở Hà Nội phát triển khá mạnh, các tổ chức cơ sở liên đoàn lao động, các hội Ái hữu được thành lập và hoạt động tích cực ở nhiều nơi, tiêu biểu là một số cuộc đấu tranh với quy mô lớn, có số lượng công nhân tham gia đông đảo, như: cuộc đình công của 400 thợ mộc ngày 26-5; cuộc bãi công đòi thực hiện 7 yêu sách của 800 công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; cuộc đấu tranh có sự tham gia của hơn 600 thợ may gia công Cổ Nhuế nhất loạt đình công yêu cầu tăng giá công 20%. Sau hơn 3 tháng kiên trì đấu tranh, bọn chủ Sở Quân nhu, Thanh tra lao động của thực dân Pháp buộc phải nhượng bộ, tăng giá công cho công nhân 14% và điển hình là cuộc mít tinh lớn nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5-1939, với trên 2 vạn người tham gia phản đối bọn cầm quyền phản động thuộc địa Pháp, đánh dấu một bước trưởng thành rất quan trọng về trình độ tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng của Đảng và của Thành ủy Hà Nội.

Thắng lợi của những cuộc đấu tranh của phong trào công nhân ở Hà Nội thời kỳ này là thắng lợi của sự chỉ đạo vừa kiên quyết, vừa khéo léo, vừa vận dụng các hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp, phát huy được sức mạnh của phong trào công nhân và vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và Liên đoàn Lao động thành phố. Trong đó, có phần đóng góp rất quan trọng của đồng chí Văn Tiến Dũng - người thanh niên yêu nước trẻ tuổi, nhiệt huyết, người cán bộ lãnh đạo gương mẫu, dũng cảm của phong trào công nhân.

Tháng 7-1939, đồng chí Văn Tiến Dũng bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ nhất, nhưng vì không có đủ chứng cứ buộc tội, sau 3 ngày đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động công khai giữa lòng địch. Tháng 9-1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án tù 2 năm và đày đi nhà tù Sơn La. Trong nhà tù, đồng chí luôn thể hiện ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, không khuất phục kẻ thù; đồng chí tham gia chi ủy của chi bộ nhà tù.

Tháng 9-1941, trên đường bị thực dân Pháp áp giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội, đồng chí đã mưu trí trốn thoát và tìm được tổ chức Đảng ở Hà Nội để tiếp tục hoạt động. Thời điểm này, do thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng rất khốc liệt, đồng chí bị mất liên lạc với tổ chức Đảng, đã tự hoạt động gây cơ sở cách mạng ở vùng Mỹ Đức (tỉnh Hà Đông). Trong hơn 2 năm cực kỳ gian khổ này, để bảo đảm bí mật hoạt động tại cơ sở, đồng chí đã phải cải trang, đóng giả làm sư trụ trì chùa Bột Xuyên để tuyên truyền, vận động cách mạng; thành lập và chỉ đạo tổ chức Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở làng Vĩnh Lạc và một số làng xã khu vực ngoại thành tỉnh Hà Đông.

Đầu tháng 3-1943, đồng chí tiếp tục liên lạc được với tổ chức Đảng và được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự đảng tỉnh Hà Đông. Trên cương vị mới là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã đề ra chủ trương khôi phục lại cơ sở, củng cố tổ chức, mở rộng Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng rộng khắp trong quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cơ sở Việt Minh được thành lập và tái thành lập lại, trong đó có một số cơ sở bị địch khủng bố, tổn thất rất nặng nề đã được khôi phục và tiếp tục hoạt động mạnh, như ở Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và huyện Phú Xuyên.

Cuối tháng 6-1943, đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ và được Trung ương giao thêm nhiều nhiệm vụ mới. Tháng 1-1944, đồng chí được Trung ương điều động làm Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh và đến đầu tháng 8-1944, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ 3. Không chịu khuất phục trước cảnh giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí quyết tâm tổ chức vượt ngục. Đến tháng 12-1944, đồng chí vượt ngục thành công, bí mật liên lạc với tổ chức Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Vào tháng 1-1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Tháng 4-1945, đồng chí được Trung ương cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (còn được gọi là Bộ Tư lệnh miền Bắc Đông Dương) trực tiếp tổ chức chiến khu Quang Trung (gồm 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa) và kiêm Bí thư Khu ủy chiến khu Quang Trung, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh trên. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh chuẩn bị điều kiện, xây dựng lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh vùng ven Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ xây dựng, mở rộng và phát triển Mặt trận Việt Minh, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giai đoạn (tháng 2/1943 - 3/1945); đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước (3/1945 - 8/1945), tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội vào ngày 19-8-1945 và trên toàn quốc vào cuối tháng Tám, năm 1945.

 

Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập và ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời công bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới Bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945 có ý nghĩa lịch sử to lớn, rất quan trọng đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Thành công của Cách mạng Tháng Tám - 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất trong lịch sử hào hùng của dân tộc thời kỳ dựng nước và giữ nước. Đối với Thủ đô Hà Nội, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945 đã ghi nhận và khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, sự đồng tâm, nhất trí, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, trong đó, có một phần đóng góp tích cực và rất quan trọng của các đồng chí lãnh đạo tiền bối và của Đại tướng Văn Tiến Dũng - với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội từ năm 1938 và được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Thủ đô trong suốt thời kỳ gian khổ, khốc liệt (1936 - 1944), chuẩn bị tích cực cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám - 1945.

Trọn đời vì Đảng, vì dân

Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Trung ương cử ra lập Chiến khu 2, gồm 8 tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ, là Chính ủy Chiến khu, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tháng 11-1946, đồng chí là Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (tổ chức tiền thân của Tổng cục Chính trị sau này) và là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1949, đồng chí được cử làm Chính ủy, kiêm Tư lệnh Liên khu 3, Thường vụ Khu ủy khu 3. Năm 1951, làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, hoạt động ở Đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 5-1954, làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam.

Trong suốt 25 năm liên tục, từ tháng 11-1953 (giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ) đến tháng 5-1978, đồng chí giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 4-1975, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ tháng 5-1978 đến tháng 12-1986, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Thứ nhất, rồi làm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí Văn Tiến Dũng được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948, Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974. Đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 2-1951); Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa III (tháng 3-1960); Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng từ tháng 3-1972 đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982). Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương phân công phụ trách chỉ đạo công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và biên soạn Lịch sử Quân sự.

Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những nhà lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng, những đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam là rất quý báu và quan trọng.

Trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội, đồng chí là một trong những tướng lĩnh chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo quân sự tài ba của Đảng, đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược và nền khoa học, nghệ thuật Quân sự của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là một nhà lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng và đất nước ta.

Với trọng trách nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đại tướng đã cùng với Quân ủy Trung ương vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh không ngừng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt là, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), với cương vị là Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cống hiến xuất sắc cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng kiên cường, trong đó có trên 8 năm (1936 - 1944) trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân thành phố Hà Nội và nhiều năm là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Quân đội, sống và làm việc ở địa bàn Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng thực sự là tấm gương sáng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; một công dân Thủ đô ưu tú, mẫu mực, luôn gần gũi, thân thiết, gắn bó với nhân dân.

Nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội, như xã Trung Mầu (Gia Lâm), Cổ Loa (Đông Anh), Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), An Mỹ, Bột Xuyên (Mỹ Đức), Hòa Xá (Ứng Hòa), nhất là Vùng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ ven Hà Nội không bao giờ quên hình ảnh của đồng chí những năm tháng sâu sát với quần chúng nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các cơ sở cách mạng; bồi dưỡng giáo dục, rèn luyện được nhiều cán bộ, quần chúng cách mạng ưu tú để kết nạp vào Đảng.

Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn trân trọng, ghi nhớ những tình cảm quan tâm đặc biệt của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong suốt quá trình xây dựng lực lượng, huấn luyện và chiến đấu, điển hình là bảo vệ an toàn tuyệt đối Hội nghị quân sự hai nước Việt - Pháp bàn về thực hiện Lệnh ngừng bắn (ngày 19-6-1954, ở Trung Giã, huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội); phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc và Thủ đô (1965 - 1967) và đặc biệt là đánh thắng chiến dịch hủy diệt Thủ đô Hà Nội của không quân Mỹ liên tục trong 12 ngày đêm, lập nên kỳ tích trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội (12-1972). Tháng 3-1984, kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân khu Thủ đô (1979 - 1984), nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng đến thăm và phát biểu chỉ đạo: “Phải ra sức học tập, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự, kinh tế và các nghị quyết của Đảng... Xây dựng Quân khu Thủ đô trở thành Quân khu tiêu biểu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Lời động viên căn dặn của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô tinh thần vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, thành phố giao.

Do công lao và thành tích to lớn đối với cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, nhiều Huy hiệu, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước ta và một số nước trao tặng. Cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Văn Tiến Dũng là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam và đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô noi theo. Thành phố Hà Nội đã đặt tên một con đường lớn, mang tên “Văn Tiến Dũng”, tại quận Bắc Từ Liêm.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2017), Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết XVI của Đảng bộ thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đó chính là ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới.