Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Lắk: diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng vẫn còn hạn chế

Lữ Khách
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 4/10, Cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở NN&PTNT Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng “Mô hình chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Đắk Lắk”.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng gắn với hội nhập thị trường thương mại lâm sản thế giới, cũng như cải thiện và nâng cao thu nhập cho chủ rừng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngày 1/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Ông Đoàn Hoài Nam- Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đoàn Hoài Nam- Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội nghị.

Trải qua 6 năm thực hiện, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy và thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, và các tiêu chí về quản lý rừng bền vững, đồng thời thành lập hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế (VFCS/PEFC).

Nhờ sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp và chủ rừng, sau 6 năm triển khai đã có khoảng 80% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý theo phương án rừng bền vững. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt gần 600 nghìn ha, chiếm 60% mục tiêu 1 triệu ha vào năm 2030 theo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam và Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng năm 2030.

Đề án cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương. Mục tiêu của các mô hình này là trở thành nơi tham quan, học tập, phục vụ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên môn và chủ rừng; đồng thời là hiện trường để đánh giá thử nghiệm các tiêu chí quản lý rừng bền vững trước khi được chính thức ban hành.

Tại khu vực Tây Nguyên, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Sở NN&PTNT Đắk Lắk xây dựng mô hình "Chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp chế biến gỗ tại Đắk Lắk".

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại hội nghị.

Sau 1 năm triển khai, Đắk Lắk đã xây dựng được 4.000ha rừng trồng, với sự tham gia của các hộ gia đình tại 3 xã: Cư San, Ea Trang và Krông Á (huyện M’Đrắk). Trong đó, Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk đã phối hợp với Công ty TNHH AYO Biomass để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc gia (PEFC).

Phát triển rừng trồng theo hướng mô hình liên kết, cấp chứng chỉ rừng được coi là hướng đi mới và mang tính bền vững.
Phát triển rừng trồng theo hướng mô hình liên kết, cấp chứng chỉ rừng được coi là hướng đi mới và mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, cho biết toàn huyện hiện có khoảng 35.000ha rừng trồng, nhưng diện tích rừng thực hiện mô hình liên kết nhóm chứng chỉ rừng mới chỉ đạt gần 4.000ha, chiếm hơn 10% tổng diện tích rừng trồng, một con số vẫn còn hạn chế.

Ông Thảo đánh giá đây là mô hình thiết thực, mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân và tính ổn định cho doanh nghiệp liên kết, đồng thời mong muốn mở rộng thêm các mô hình tương tự để gia tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị.

Theo đại diện Công ty TNHH AYO Biomass, mô hình liên kết chứng chỉ rừng không chỉ giúp tăng giá trị gỗ đạt chứng chỉ mà còn tạo ra mối quan hệ cùng thắng giữa các bên tham gia. Doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng người trồng rừng, mang lại lợi ích thiết thực và cơ hội phát triển bền vững cho cả đôi bên. Các đối tác trong mô hình được hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng bền vững và bảo vệ môi trường.

Diện tích rừng trồng tại tỉnh Đắk Lắk đang ngày một tăng lên.
Diện tích rừng trồng tại tỉnh Đắk Lắk đang ngày một tăng lên.
 

Tính đến năm 2024, tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích rừng trồng đạt khoảng 85.304,3ha, trong đó rừng trồng sản xuất gỗ lớn hiện tại duy trì là 2.244ha. Theo kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030", tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 2.275ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn nhằm nâng tổng diện tích rừng trồng sản xuất lên 5.844ha vào năm 2030.

Ngoài ra, toàn tỉnh đang quản lý khoảng 497.235,2ha đất có rừng, bao gồm 411.930,9ha rừng tự nhiên và 85.304,3ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 38,04%, giảm nhẹ so với năm trước. Đắk Lắk cũng đã thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy việc trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, đồng thời khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia trồng rừng có chứng chỉ quốc tế.