Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Lắk: “lâm tặc, vàng tặc” lộng hành trên rừng tự nhiên ở Cư Yang

Lữ Khách
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều cây gỗ bị cưa hạ và “xẻ thịt”, diện tích rừng tự nhiên bị đốt phá rồi lấn chiếm, những hầm vàng, máy móc phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép đã làm tang hoang cả một cánh rừng thuộc thôn 13 xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Cây gỗ đã bị “xẻ thịt”, chỉ còn lại những tấm bìa và nhánh cây
Cây gỗ đã bị “xẻ thịt”, chỉ còn lại những tấm bìa và nhánh cây

Ngày 17/9, báo Kinh tế & Đô thị nhận được thông tin phản ánh về việc khai thác gỗ lậu, phá rừng làm nương rẫy và hoạt động khai thác vàng trái phép trên diện tích rừng tự nhiên. Phóng viên (PV) tìm về thôn 13 xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) xác minh nguồn tin.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi phải xuyên qua vườn keo theo một lối mòn kéo dài lên tận đỉnh của cánh rừng. Phải mất khoảng hơn 2 giờ đi bộ chúng tôi mới đến được hiện trường. Trên đường đi, nhiều dấu tích để lại của việc dùng trâu để kéo gỗ in hằn trên lối mòn.

Khu vực cánh rừng bị tàn phá.
Khu vực cánh rừng bị tàn phá.

Khi đến nơi, PV phát hiện nhiều cây gỗ bị cưa hạ, phần thân đã bị xẻ hộp, nằm lại chỉ còn những tấm bìa và cành lá, các cây bị cưa hạ có đường kính khoảng từ 50 – 80cm. “Lâm tặc” sẵn sàng cưa hạ bất cứ cây nào được cho là cản đường nhằm để thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ. Khi đang tác nghiệp, PV còn suýt chạm mặt với "lâm tặc" trên đường về, buộc phải tạm thời ẩn nấp, sau khi họ đi qua thì mới tiếp cận cây gỗ vừa bị cưa hạ.

Hàng loạt cây gỗ bị "lâm tặc" đón hạ không thương tiếc.
Hàng loạt cây gỗ bị "lâm tặc" đón hạ không thương tiếc.

Bên cạnh việc phá rừng khai thác gỗ, tại bìa rừng chúng tôi cũng đã ghi nhận nhiều diện tích rừng tự nhiên bị đốt phá, lấn chiếm làm nương rẫy.

Theo một người dân cho biết, các đối tượng “lâm tặc” thường là người địa phương lên rừng để cưa hạ, khi đủ số lượng cần thiết sẽ dùng trâu để kéo gỗ xuống bìa rừng, rồi dùng xe độ chế để chở đi tiêu thụ. Việc khai thác gỗ trái phép không những là ở một điểm này mà còn nhiều nơi khác.

Phát hiện hầm khai thác vàng tại diện tích rừng tự nhiên.
Phát hiện hầm khai thác vàng tại diện tích rừng tự nhiên.

Ngoài việc khai thác gỗ, PV còn phát hiện 2 hầm vàng, một hầm có dấu vết đã cũ, hầm còn lại thì đầy đủ máy móc và lán trại, dấu tích còn đang khai thác và có người ở.

Sáng ngày 18/9, tại buổi làm việc, qua xác minh nhanh ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết diện tích rừng này do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Diện tích bị đốt phá lấn chiếm cũng đã lập biên bản xử lý.

“Chúng tôi cảm ơn những thông tin phản ánh của báo chí, tôi sẽ chỉ đạo Hạt kiểm lâm phối hợp với công ty Lâm nghiệp kiểm tra ngay. Đồng thời sẽ cho đội 2 (đội kiểm lâm cơ động) rà soát lại tất cả hoạt động liên quan đến lâm sản trên địa bàn xã Cư Yang, cần thiết tôi sẽ trực tiếp đi để nắm tình hình, sau khi có kết quả sẽ thông tin lại cho anh em báo chí” ông Hưng nói.

Được biết, xã Cư Yang là một trong những điểm nóng của tình trạng phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Nay lại xuất hiện cả nạn khai thác vàng, thiết nghĩ cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của chủ rừng, của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo, giữ gìn nguồn tài nguyên rừng và khoáng sản một cách hiệu quả nhất.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được:

Hầm khai thác vàng đã cũ.
Hầm khai thác vàng đã cũ.
Hầm khai thác vàng, có dấu hiệu mới khai thác.
Hầm khai thác vàng, có dấu hiệu mới khai thác.

 

Dụng cụ dùng để trâu kéo gỗ trên rừng xuống bìa rừng.
Dụng cụ dùng để trâu kéo gỗ trên rừng xuống bìa rừng.
Các thân cây gỗ chỉ còn trơ lại gốc và các tấm bìa.
Các thân cây gỗ chỉ còn trơ lại gốc và các tấm bìa.

Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về các sự việc.