Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Lắk: Tái hiện cảnh săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của đồng bào dân tộc

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/3, trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - năm 2019, Ban tổ chức đã tái hiện lại cảnh săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của đồng bào dân tộc bản địa tại xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh minh họa
Theo nghi thức, sẽ có 15 chú voi nhà với 30 nài voi dày dạn kinh nghiệm sẽ tiến hành lùng sục, săn bắt một con voi rừng hoang dã và hung bạo. Sau hơn 30 phút quần thảo, chú voi rừng đã được các voi nhà, nài voi bắt giữ và ngoan ngoãn theo theo đàn về buôn trong tiếng reo hò của hàng nghìn khách du lịch.
Trước khi đến với cuộc đi săn, những chú voi nhà dũng mãnh sẽ được tuyển chọn một cách kỹ càng. Đặc biệt, những nài voi phải có kinh nghiệm, khoẻ mạnh và gan dạ trong việc săn bắt voi.
Sau khi con voi rừng được bắt giữ, sẽ được một nài voi dày dạn kinh nghiệm trong việc thuần dưỡng voi rừng đảm trách, huấn luyện. Theo một số nài voi kinh nghiệm cho biết, để thuần dưỡng một con voi rừng thuần thục phải mất thời gian từ 5 đến 6 tháng, thậm chí có nhiều con phải mất cả năm trời.
Được biết, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn do N’Thu K’nul (người Lào, SN 1828) khai sinh và truyền dạy cho con cháu sau này. Cả cuộc đời của N’Thu K’nul đã săn bắt, thuần dưỡng hàng trăm con voi, trong đó có một con voi bạch tượng (voi trắng), một trong những con voi quý nhất lúc bấy giờ.
Sau đó, ông đã mang chú voi bạch tượng này sang tặng cho Hoàng Gia Thái Lan và được Vua Thái Lan phong tặng cho danh hiệu Khunjunod (Vua săn voi). Ông cũng chính là ông tổ của Vua săn voi Amakong nổi tiếng khắp vùng sau này.