Sáng ngày 24/7, Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 2 bé trai tử vong tại bon Bu Prăng 2.
Trước đo, khoảng 16h ngày 23/7, 2 em Đ.Đ (SN 2018) và em Đ.K (SN 2017) đều là học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, bon Bu Prăng xã Quảng Trực (hai anh em họ) rủ nhau vào tắm ao trong rẫy tại bon Bu Prăng 2. Đến khoảng 19h cùng ngày, gia đình không thấy các em về nên đi tìm và phát hiện 2 em đã bị đuối nước.
Được biết, gia đình hai cháu đều thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã kịp thời đến tận gia đình để động viên và hỗ trợ cho 2 gia đình.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện biên giới Tuy Đức xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước, làm 7 em nhỏ tử vong (xã Đắk R'Tih 2 em, Đắk Ngo 1 em, xã Quảng Tâm 2 em và xã Quảng Trực 2 em).
Không chỉ ở huyện biên giới Tuy Đức mà toàn tỉnh Đắk Nông tình trạng trẻ em bị đuối nước tử vong có chiều hướng gia tăng và đáng báo động. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Nông xảy ra đến 26 vụ tai nạn đuối nước, làm 29 em tử vong.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em, đảm bảo trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn.
Công văn đề nghị, UBND tỉnh UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em đến thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng, ban chức năng liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện các khu vực ao, hồ không an toàn đối với trẻ em; đồng thời, có các giải pháp phòng, chống đuối nước, nhắc nhở, chỉ đạo lắp rào chắn, biển cảnh báo tại khu vực ao, hồ, suối, vùng nước sâu, đặc biệt tại các ao tưới nước ở các rẫy, vườn và khu vực quanh các hộ gia đình sinh sống.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Truyền thông phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em và cộng đồng dân cư; nhắc nhở gia đình tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trong thời gian không đến trường.
Tổ chức dạy bơi cho trẻ em, ưu tiên dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh được vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, hữu ích. Bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương.