Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đắk Nông: phát hiện vụ phá rừng lớn quy mô lớn

Lê Cung - Phương Đông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Qua tuần tra kiểm soát vào những ngày cuối tháng 10/2024, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Quảng Sơn đã phát hiện ra 01 vụ phá rừng trái pháp luật tại tiểu khu 1679 do UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong quản lý.

Cách khu dân cư khoảng 5 km là đến nơi diện tích rừng bị phá, đường sá được san ủi phục vụ cho quá trình đi lại, các phương tiện có thể đi lên tận nơi để tiếp cận hiện trường. Một số diện tích bên cạnh hiện trường đã được đánh luống, tạo tam cấp để trồng cây công nghiệp.

Diện tích rừng bị phá
Diện tích rừng bị phá

Tại hiện trường, theo ghi nhận của phóng viên (PV) các cây thân gỗ bị chặt hạ lá còn xanh, thân còn tươi; cây lồ ô bị chặt hạ lá đang héo, chuyển màu nâu sẫm, một số vị trí lá còn xanh. Chứng tỏ sự việc diễn ra trong thời gian gần đây.

Các cây thân gỗ bị chặt hạ lá còn xanh, thân còn tươi.
Các cây thân gỗ bị chặt hạ lá còn xanh, thân còn tươi.

Theo đó, diện tích rừng bị phá tương đối lớn, là 1,988 ha. Thuộc lô 21, 28, 29 khoảnh 8 Tiểu khu 1679. Với hiện trạng thiệt hại 100%. Theo Bản đồ kèm Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 30/01/2024 của UBND huyện Đắk Glong, về việc phê duyệt số liệu diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn huyện Đắk Glong có đến ngày 31/12/2023, thì diện tích này thuộc quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng rừng thường xanh nghèo.

Diện tích rừng bị phá trên địa bàn được giao cho UBND xã Quảng Sơn quản lý.
Diện tích rừng bị phá trên địa bàn được giao cho UBND xã Quảng Sơn quản lý.

Trao đổi với Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa, được biết hiện tại vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 26/10/2024, Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa mời Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đắk Glong, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong, Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đắk Glong, UBND xã Quảng Sơn tổ chức khám nghiệm hiện trường diện tích rừng bị phá.

Trụ sở Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Trụ sở Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Để xảy ra vụ việc phá rừng trái pháp luật trên, Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa đề nghị UBND huyện Đắk Glong xem xét, kiểm điểm làm rõ, xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, Ban Lâm nghiệp xã Quảng Sơn. Đồng thời, đối với trách nhiệm công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn (rừng UBND xã quản lý), Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, việc phá rừng trái pháp luật tại lô 21, 28, 29 khoảnh 8 Tiểu khu 1679 do UBND xã Quảng Sơn quản lý thì chính quyền  địa phương nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc một phần đến từ nguyên nhân do xã Quảng Sơn nằm cách trung tâm huyện Đắk Glong 56 km và là xã có diện tích tự nhiên, diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Đắk Nông.

Ông Tuấn trao đổi thêm, “do điều kiện rừng phân tán, nằm xen kẽ với các diện tích đất đai đã bị lấn, chiếm nhiều năm nay để trồng cây công nghiệp và sử dụng vào mục đích khác  nên  việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất khó khăn. Thêm nữa là dân di cư không theo quy hoạch vẫn đều đặn đến địa phương và tình trạng nhiều loại mặt hàng nông sản chủ lực tăng giá mạnh khiến địa phương chịu rất nhiều áp lực”.

Một số diện tích rừng trên địa bàn xã Quảng Sơn có dấu hiệu suy giảm.
Một số diện tích rừng trên địa bàn xã Quảng Sơn có dấu hiệu suy giảm.

Hiện, UBND xã Quảng Sơn đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân liên quan để xảy ra phá rừng và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 Được biết, UBND xã Quảng Sơn cũng là một đơn vị chủ rừng với tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 4.300 ha. Trong đó có  khoảng 1.100 ha là rừng tự nhiên và rừng trồng. Phần còn lại chủ yếu là những khu đất đã bị lấn chiếm hoặc chuyển đổi mục đích thành đất nông nghiệp.