Đảm bảo an sinh để vượt khó trong đại dịch

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện cả nước có 23/63 tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong thời điểm này, không ít người dân gặp khó khăn khi sinh kế bị ảnh hưởng hoặc không còn, từ Chính phủ đến các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp, hành động nhằm đưa các gói an sinh đến với người dân. Qua đó, giúp mỗi người, mỗi nhà vững tin, đồng lòng để cùng vượt qua khó khăn do đại dịch.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” - không chỉ là khẩu hiệu

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là hành động thiết thực của các cấp chính quyền trong thời gian qua giúp người dân vượt qua “cơn bão” Covid-19. Đặc biệt, trong thời điểm nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự quan tâm, chăm lo đó càng rõ nét hơn. Đối tượng được quan tâm bao gồm tất cả những người gặp khó khăn, ảnh hưởng do dịch từ gia đình nghèo, cận nghèo đến lao động tự do, ngoại tỉnh, người dân các khu phong tỏa…
 Hỗ trợ thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 26.000 tỷ đồng, để đưa nguồn lực hỗ trợ này đến sớm với người lao động, tại Hà Nội, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai với tinh thần chủ động, linh hoạt. Các tổ rà soát được thành lập đến cấp thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố, qua đó các địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Sau khoảng 1 tháng triển khai, đã có khoảng 1,5 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh nhận được hỗ trợ an sinh xã hội, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 174 tỷ đồng.

Cũng bởi triển khai trong thời điểm giãn cách xã hội, nên nhiều địa phương đã có những cách làm linh động để phòng dịch, nhiều lãnh đạo các phường, xã còn mang hỗ trợ tới tận nhà để trao cho người lao động. Những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục được tháo gỡ, để gói an sinh đến gần hơn với người dân. Đúng với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no", có thể thấy, càng trong lúc khó khăn dịch bệnh, gói hỗ trợ của Chính phủ lại càng có ý nghĩa lớn, giúp người dân cầm cự, vượt khó khăn, vững tâm thực hiện phòng, chống dịch.

Đồng thời với đó, tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, tiền điện, nước tăng diễn ra phổ biến ở nhiều gia đình do ở nhà, đặc biệt lại trong mùa nắng nóng đỉnh điểm. Để hỗ trợ người dân, Chính phủ liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu giảm tiền điện, giảm giá điện (ngày 31/7), giảm giá, tiền sử dụng nước sinh hoạt và giảm giá cước viễn thông (ngày 1/8). Với đợt giảm giá điện lần thứ 4 này, theo Bộ Công Thương, tổng số tiền giảm ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng (cho khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt). Ngoài ra, các đối tượng được giảm giá điện khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của Chính phủ trong đợt giảm giá điện lần thứ 3. Với giá cước viễn thông, theo Bộ TT&TT, gói hỗ trợ lần này của các DN viễn thông khoảng 10.000 tỷ đồng… Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ dẫu ít hay nhiều cũng đáng quý, đáng trân trọng.

Thêm những chính sách đặc thù

Chia sẻ về những biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách, lãnh đạo thành phố cho biết, thành phố luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân là quan trọng nhất. Thành phố đã yêu cầu từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống người dân khi thực hiện giãn cách, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời.

Bởi vậy, ngoài 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Hà Nội còn có những chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai hỗ trợ 3.180 hộ nghèo, mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng. Các địa phương đã tự cân đối nguồn lực, chủ động chăm lo, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Mới đây nhất, ngày 14/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Chính thức có hiệu lực ngay khi ban hành, nghị quyết này giúp cho nhiều người dân được tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội của thành phố. Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, có khoảng 150.000 người là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách, người lao động có hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục… được tiếp cận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng. Với số tiền hỗ trợ từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người, được chi trả một lần, TP Hà Nội mong muốn chia sẻ với người dân một phần khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Để đồng hành, chia sẻ cùng người dân, thành phố cũng ban hành Nghị quyết về hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt ở mức 15% trên tổng hóa đơn; đồng thời, có văn bản chấp thuận bổ sung 500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP cho người lao động có nhu cầu vay để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc "4 tại chỗ"; linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do Covid-19 không có nơi cư trú. Chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú đến tạm trú…

Với sự chủ động, linh hoạt trong ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh, không bỏ sót đối tượng và tránh trùng lặp, trục lợi, TP Hà Nội đang cố gắng mang lại những điều tốt nhất, không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm trong mùa dịch. Ngay sau khi Nghị quyết được triển khai, các quận, huyện đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người hoặc hộ gia đình; đồng thời rà soát, thống kê để chi trả kịp thời đưa nguồn lực hỗ trợ đến người dân càng sớm càng tốt.

"Chương trình “Đoàn kết chống dịch” với mục tiêu không để bất kỳ ai khó khăn, bị thiếu, đói mà không được hỗ trợ. Người dân có thể phản ánh qua Fanpage “Đoàn kết chống dịch”, hoặc gọi điện đến đường dây nóng là điện thoại của MTTQ TP Hà Nội và MTTQ của 30 quận, huyện, thị xã. Mong muốn các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện liên hệ với MTTQ các cấp để cùng chung tay giúp đỡ những người khó khăn.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, ở đâu có người đang cần; những người đó đã nhận hỗ trợ hay chưa. Tránh được việc tụ tập đông người không bảo đảm điều kiện phòng dịch. Người khó khăn ở đâu cứ ở yên đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ tận nơi."- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường


"Trong đợt cao điểm hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn diễn ra từ ngày 30/7 đến 30/8, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội hỗ trợ hơn 1.000 suất quà. Nhiều cơ sở hội trên địa bàn thành phố đã chủ động tổ chức những hoạt động hỗ trợ nữ lao động tự do, phụ nữ nghèo, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Đơn cử như, Hội LHPN quận Tây Hồ, với thông điệp “Trao gửi yêu thương - nghĩa tình mùa dịch”, từ cuối tháng 7 đến nay, đã thăm hỏi, trao hàng trăm suất quà, phát nhu yếu phẩm miễn phí tới gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế…, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Hội LHPN phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) tổ chức chương trình “Hũ gạo yêu thương” trao tặng 220 suất quà cho các nữ sinh viên không về được quê, lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19..." - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy