Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo an toàn cho du khách trẩy hội đền Sóc năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, vào ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm, hàng vạn phật tử và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn.

Lễ hội đền Sóc được xem là một trong những “hội trận” độc đáo nhất tại khu vực phía Bắc, diễn ra trong ba ngày chính (từ mùng 6 đến mùng 8 tết).  

Sứt đầu mẻ trán để… cầu may

Bên cạnh những hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo được gìn giữ cho tới ngày nay, lễ hội đền Sóc vẫn còn những nghi lễ khiến không ít du khách cảm thấy… sửng sốt, đặc biệt trong số đó phải kể đến là tục cướp “giò hoa tre”. Đây là một trong 8 lễ vật cung tiến thần linh tại lễ hội đền Sóc (cùng với voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, “nữ tướng trẻ”, “cầu húc” và ngựa Gióng), với ước vọng về một nền “Quốc Thái Dân An”.  

Sau phần nghi thức lễ Mộc Dục (tắm tượng) và cung tiến lễ vật trang trọng, linh thiêng là hoạt động gây náo động nhất của Lễ hội Gióng ở đền Sóc - tục cướp “giò hoa tre” để cầu may. Việc phát lộc “giò hoa tre” trước đây được thực hiện tượng trưng theo cờ lệnh; tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, việc phát lộc trở nên khó khăn hơn, do người dân, từ già tới trẻ (đặc biệt là thanh niên), ai nấy đều muốn có được một chiếc “hoa tre” sinh lộc đầu năm mới.
Cướp giò hoa tre cầu may tại Lễ hội đền Sóc.
Cướp giò hoa tre cầu may tại Lễ hội đền Sóc.
Tục phát lộc trở thành một cuộc cướp “giò hoa tre”. Không ít người đã phải sứt đầu mẻ chán, khi lễ cướp “giò hoa tre” diễn ra đúng theo nghĩa đen: hàng trăm thanh niên nam nữ, già trẻ gái trai, cùng lao vào “giò hoa”, sâu xé, giằng co, thậm chí xô sát lẫn nhau nhằm cướp được “lộc thánh”, dù cho có phải dùng đến cả… gậy gộc (!). Thậm chí, khi có người giành được “giò hoa gốc” (to nhất, ở vị trí cao nhất và theo quan niệm dân gian là nhiều lộc nhất), còn bị không ít người tham dự lễ hội đuổi bắt để cướp lại (?!).

Sẽ xử lý nghiêm

Dù chỉ là một nghi lễ mang tính văn hóa cộng đồng nhưng hoạt động này cũng khiến không ít du khách thập phương lần đầu ghé thăm chính hội cảm thấy vừa lạ lẫm, vừa “sởn gai ốc”.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích đền Sóc cho biết, cùng với tục cướp “giò hoa tre”, lễ hội đền Sóc trước đây cũng ghi nhận nghi lễ “chém tướng”. Tuy nhiên, do sự lộn xộn, cũng như những nguy hiểm (có thể xảy đến) cho chính những người tham gia lễ hội nên hoạt động này nay chỉ còn được tổ chức tượng trưng. Riêng đối với tục “cướp giò hoa tre” - là nghi lễ văn hóa đặc trưng cho lễ hội này nên duy tr
ì.  

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho biết, dự kiến vào ngày mùng 6 Tết tới đây, đền Sóc sẽ vinh dự đón nhận bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Chính vì vậy, công tác chỉ đạo, phối hợp đảm bảo trật tự nói chung, trong ngày chính hội (mùng 6 Tết) nói riêng được đặc biệt chú trọng. Theo đó, trong nghi lễ “cướp giò” năm nay sẽ hạn chế tối đa tình trạng chen lấn, xô đẩy, to tiếng; đặc biệt, nghiêm cấm việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để “cướp giò” như: gậy gộc, mũ áo, gi
ày dép,… Các trường hợp cố tình quấy rối, gây mất trật tự - an ninh tại khu vực lễ hội sẽ bị lực lượng chức năng xử lý mạnh tay.

Được biết, để chuẩn bị tốt cho công tác lễ hội năm 2015, Ban tổ chức cũng đã tiến hành họp, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị liên quan. Theo đó, bên cạnh việc bố trí, sắp xếp lại hợp lý vị trí hàng quán, chấn chỉnh các hoạt động vui chơi có thưởng tại lễ hội,… lực lượng công an, dân quân tự vệ, sinh viên tình nguyện sẽ được huy động, túc trực thường xuyên trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, cũng như giải quyết nhanh những vấn đề bức xúc của du khách khi trẩy hội đền Sóc.